Tập đoàn Formosa là một trong những tập đoàn lớn mạnh nhất khu vực châu Á. Ngay từ lúc đặt chân vào thị trường Việt Nam, tập đoàn này đã nhận được nhiều sự chú ý vì quy mô lớn và hơn hết là những tai tiếng trong suốt thời gian qua.
Sau nghi vấn công ty Formosa xả thải làm chết hàng loạt cá biển tại bốn tỉnh miền Trung, hẳn nhiều người tò mò và muốn biết thực chất Formosa là gì và ai là người đứng sau công ty này. Theo tìm hiểu từ tờ Gia đình & Xã hội được biết, Formosa Plastics Group (FPG) ra đời từ năm 1954, nhanh chóng trở thành một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất châu Á.
Trụ sở chính của Formosa được đặt tại Đài Loan. Người thành lập công ty chính là hai anh em họ Vương – Vương Vĩnh Khánh và Vương Vĩnh Tại. Là những người có máu kinh doanh từ bé, họ được xem là “huyền thoại” kinh doanh Đài Loan.
Ông Vương Vĩnh Tại - một tỏng hai nhà sáng lập tập đoàn Formosa. Ảnh: Gia đình&Xã hội |
Hai nhà sáng lập đều đã qua đời, người anh trai – ông Vương Vĩnh Khánh qua đời ở tuổi 91 vào năm 2008, lúc này tổng số tài sản của ông ước tính vào khoảng 6,8 tỷ USD.
Sau đó, vào ngày 27/11/2014 người em là ông Vương Vĩnh Tại cũng qua đời tại Đài Loan. Hiện nay, nắm giữ chức Chủ tịch tập đoàn Formosa là con trai ông Tại – Vương Văn uyên.
Từ xuất phát điểm là một công ty sản xuất nhựa đến nay FPG đã nhanh chóng phát triển thành một mạng lưới rộng lớn, sở hữu hàng trăm công ty con. FPG có 4 đơn vị lớn nhất là Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics chuyên sản xuất nhựa, Formosa Petrochemical chuyên hóa dầu và Formosa Chemicals & Fibre chuyên sản xuất sợi nhựa; vải.
Ngoại trừ Nan Ya, ba công ty trên đều lọt Top 1000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới năm 2012, theo xếp hạng của Forbes.
Tại thị trường Việt Nam, Formosa thống trị ngành thép và dệt – nhuộm với dự án đình đám là khu liên hợp gang – thép và cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh. Formosa Hà Tĩnh do 9 cổ đông góp vốn, 7 cổ đông trong này là các đơn vị thành viên của tập đoàn Formosa và nắm giữ gần 95% cổ phần.
Khi vào đến Việt Nam, Formosa nhận được khá nhiều ưu đãi chưa từng có như miễn tiền thuê đất trong vòng 15 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ năm có thu nhập chịu thuế, 4 năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, không chỉ khiến dư luận quan tâm vì những vấn đề trên, Formosa còn khiến dư luận ồn ào qua nhiều tai tiếng xảy ra trong quá trình hoạt động tại Việt Nam
Đưa gần 3.000 người nước ngoài làm việc “chui” tại Vũng Áng
Gần 3.000 lao động nước ngoài làm việc tại Vũng Áng không có giấy phép. Ảnh: Internet |
Theo thông tin đăng tải trên hàng loạt báo chí trong nước như VnExpress, Một thế giới,… thì đến cuối tháng 9/2014 tổng số lao động người nước ngoài tại khu kinh tế Vũng Áng – Kỳ Anh – Hà Tĩnh là 5.321 người, số lao động Trung Quốc là 3.680 người. Trong đó, chỉ có 2.340 người có giấy phép lao động, số còn lại gần 3.000 người không có giấy phép.
Đổ trộm rác thải ra môi trường
Một phần công trường Formosa Hà Tĩnh. |
Thông tin từ báo Thanh Niên, khoảng 9 giờ 20 phút ngày 5/3/2016 xuất hiện 2 xe ben chở rác chạy từ dự án Formosa ra khu đất rộng nằm sát đường thuộc phường Kỳ Liên, Hà Tĩnh. Toàn bộ số rác trên xe gồm chai lọ, xốp, cao su, ván gỗ, bông, vải, thạch cao, nhiều thùng chứa háo chất, sắt thép đều đổ hết khu đất này.
Tính từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đã có 15 chuyến rác trọng lượng hàng trăm tấn từ công trường Formosa xả thải tại khu vực dân cư lân cận, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Sự việc này đã khiến dư luận trong nước bất bình suốt tháng 3 vừa rồi.
Nghi vấn Formosa xả thải khiến hàng loạt cá biển miền Trung chết
Hàng loạt cá biển chết dọc bờ biển miền Trung. Ảnh: báo Giao thông |
Vừa qua, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, dọc bờ biển miền Trung xảy ra hiện tượng hàng loạt cá chết một cách bất thường, trôi dạt vào bờ, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, sống ở tầng nước sâu. Và không chỉ có cá biển, ngay cả cá nuôi của nhiều hộ dân cũng bị chết đồng loạt sau khi thủy triều dâng, nước biển tràn qua các hồ nuôi.
Qua phân tích mẫu nước, mẫu cá chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Quảng Bình kết luận, nguyên nhân khiến cá chết bất thường là do nước biển bị nhiễm độc. Cụ thể, nước biển bị ô nhiễm ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) theo dòng hải lưu đã bị đẩy về phía Nam, lan vào tận vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiến Huế.
Tin tức trên báo Dân Trí, báo Thanh Niên, cho biết một ngư dân Hà Tĩnh đã phát hiện đườn ống xả thải lớn của công ty này, đường ống được chôn dưới đáy biển. Từ đó mọi nghi ngờ nguyên nhân khiến cá biển chết hàng loạt đều đổ dồn vào Formosa.
Trả lời trên VOV, ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Cty FHS đã chính thức thừa nhận đơn vị này có hệ thống cống ngầm nối từ dự án của Formosa ra biển. Ông Kiệt cho biết: "Ống xả này được sự cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam”. Bên cạnh đó vị đại diện cũng lên tiếng phủ nhận lý do cá chết là do đường ống xả thải này.
Hiện vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Hoài An (tổng hợp)