Những năm 80, Nguyễn Văn Mười Hai là "đại gia" giàu nhất nhì Sài Gòn. Tương truyền, khi ông đi xế hộp ra đường, có cả đoàn vệ sĩ đeo kính đen đi theo, còn văn phòng công ty ông thì lúc nào các em chân dài cũng tấp nập.
Xuất thân trong một gia đình nghèo, Nguyễn Văn Mười Hai thi Đại học Kinh tế không đậu nên chuyển xuống học Cao đẳng Sư phạm, nhưng rồi vì hoàn cảnh quá khó khăn, Nguyễn Văn Mười Hai đành bỏ học để ra ngoài bươn chải kiếm sống.
Trong một lần ngồi nhậu lê la ở vỉa hè, Nguyễn Văn Mười Hai đã tình cờ gặp một người cũng là dân nhậu. Trong cơn say, người này đã nói với ông về nước hoa, rồi chỉ cho ông tường tận cách sản xuất nước hoa. Là người có nhiều tham vọng, khao khát làm giàu, khao khát thoát khỏi quá khứ nghèo khó, nên Nguyễn Văn Mười Hai đã ngay lập tức bắt tay vào làm. Ông huy động người nhà, bạn bè, thậm chí là các thầy cô giáo và những học trò học võ của ông tham gia vào việc thành lập, quản lý, điều hành và phát triển cơ sở nước hoa Thanh Hương.
|
Đại gia Nguyễn Văn Mười Hai uy chấn một thời |
Là người chịu khó học hỏi, Nguyễn Văn Mười Hai đi tìm hiểu về công nghệ ở nước ngoài, rồi mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thương hiệu của mình. Từ hai bàn tay trắng, công bằng mà nói, Nguyễn Văn Mười Hai đã làm được nhiều điều mà người bình thường khi ấy không thể nghĩ đến.
Bởi ngay từ hồi đó, ông đã biết mua "giờ vàng" truyền hình để phát quảng cáo nước hoa Thanh Hương, cái quảng cáo có bài hát do ca sĩ trình bày đã trở nên quen thuộc đến nỗi nhiều trẻ con thời đó thuộc lòng: "Này anh ơi sao mà anh không biết/ Nước hoa em dùng cơ sở Thanh Hương/ Mùi hương thơm sao mà thơm thơm thế/ Ôi Tiffani dành cho mọi người…".
Ông Nguyễn Văn Mười Hai ngày nay. Ảnh: Diễn đàn đầu tư |
Không chỉ thế, Nguyễn Văn Mười Hai còn xây dựng một mạng lưới kinh doanh trên toàn quốc, với nhiều đại lý kinh doanh và giới thiệu sản phẩm. Chính vì vậy, không khó để giải thích vì sao mà trong một thời gian dài, những sản phẩm của Cơ sở sản xuất nước hoa Thanh Hương do Nguyễn Văn Mười Hai làm chủ đã trở nên thịnh hành và được nhiều người ưa chuộng, yêu thích.
Người dân Sài Gòn hẳn vẫn không quên uy danh của Nguyễn Văn Mười Hai khi đó, bởi "đại gia" này có quan hệ với nhiều quan chức và những người có thế lực lớn. Ngày ấy, xe ôtô vẫn còn hiếm, nhưng Nguyễn Văn Mười Hai đã đi một quả Mercedes hào nhoáng, mà mỗi lần nó xuất hiện trên đường phố, thì ngay lập tức phía sau sẽ xuất hiện một đoàn vệ sĩ đi xe phân khối lớn theo hộ tống, có nhiệm vụ dẹp đường và bảo vệ như một "ông lớn" thực thụ.
Vụ án Thanh Hương nổ ra ngày 10/3/1990, thời điểm ấy với lãi suất 15%/tháng, ông chủ Nguyễn Văn Mười Hai vay tiền nhiều người nhưng không có khả năng thanh toán.
Ông và vợ đều bị bắt. Sau 5 năm ngồi tù, chị Nhu, vợ ông, được đặc xá ra tù phải về tá túc tại một căn phòng trọ chừng 4 m2 của người chị ở đường Nhà Thờ bên Thủ Thiêm để nuôi hai con và tích góp thăm chồng.
Khi ông còn ở trong tù có nhiều tin đồn thất thiệt về "đại gia số một này". Người nói ông bỏ vốn hùn mở căn-tin bán cho phạm nhân và "rất khá". Lại có người nói ông chết trong trại giam vì bệnh. Nhưng cũng có tin rằng: "Nguyễn Văn Mười Hai có biệt thự ở Trị An, lúc ở tù cũng đi đi về về như cơm bữa"...
Ông được ân xá sau 17 năm nhờ cải tạo tiến bộ, và bắt đầu lại sự nghiệp ở tuổi 50. Hiện ông là ông chủ của sản phẩm sữa rửa mặt bùn khoáng Thành Kim, cạnh tranh trực tiếp với nhãn hàng Nivea của Thái Lan.
Mới đây, chia sẻ trên báo Diễn đàn đầu tư về “thời oanh liệt” là đại gia số 1 Sài Gòn, Nguyễn Văn Mười Hai chia sẻ: “Ban đầu người ta cũng nghi ngờ như thế, nhưng sau khi xác minh thì thấy tôi không tích lũy được gì. Vì hồi đó vàng là tiền, nhưng đất đai thì nhiều… sau đó cũng bị tịch thu để phát mãi hết.
Hồi đó tôi làm việc như trâu, ngày đến 18 tiếng đồng hồ, ăn ngày có một cữ thôi. Gia đình tôi gốc là cách mạng, nhà mười mấy người con, mới 7 tuổi đã phải đi làm lụng. Rồi sau đó buôn bán quần jean ở chợ Tân Định… Tuổi thơ của tôi không bao giờ được mặc đồ mới, 10 năm đi làm thuê sau đó mới lên làm chủ. Thời ăn bo bo quá khổ, nên tôi quyết chí làm giàu, cố gắng học hành, rèn luyện… Không có khát vọng, sống không nổi đâu”.
Nam Nam (Tổng hợp)