Dù đã hết mùa cao điểm khách đến "trả nợ" Bà Chúa Kho, nhưng thời điểm này, về Đền Bà Chúa Kho vẫn có thể bắt gặp hình ảnh một vài "đại gia" vác bao tải ‘vàng 9999’ ‘đô la’ đi trả nợ bà Chúa.
Bê cả bao tải tiền vàng đi đốt
Với quan niệm đầu năm vay, cuối năm trả nợ, từ đầu tháng chạp, người dân các nơi đã kéo về đền Bà Chúa Kho (tỉnh Bắc Ninh) để trả nợ.
Theo những người dân sống gần khu vực đền Bà Chúa Kho, từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch là cao điểm người dân đến “trả nợ” bà Chúa. Khách đến đền Bà Chúa Kho trả lễ mang theo nhiều mâm vàng, bạc, vòng, xuyến biếu “bà” diễn ra tấp nập.
Ngay gần cổng vào Đền là tấm biển "Không nhờ khấn thuê- lễ mướn".
Qua Tết Ông Công ông Táo, lượng khách thập phương về “trả nợ” hoặc làm lễ tạ Bà Chúa Kho ít hơn, nhưng vẫn có những cảnh các “đại gia” vác cả bao tải tiền vàng đến trả lễ. Theo một bác xe ôm tại cổng Đền, nhiều lúc khách về lễ đền mang cả một ô tô vàng mã đến đốt với quan niệm “càng đốt nhiều thì càng có lộc”.
Hai lò hóa vàng nhiều cửa khá bề thế trong Đền vì thế cũng không có giây phút nào ngừng nghỉ. Có những lúc cao điểm, người ta phải xếp hàng, chen nhau để đốt. Ai cũng muốn tận tay dâng lễ mã lên Bà để trả nợ, tạ ơn nên hết mâm nọ, mâm kia được trút vào lò hóa, như thể trút vào đó những ước nguyện, trông mong sự chứng giám, phù hộ của Bà từ một thế giới siêu nhiên, siêu thực.
Những vị khách có mâm lễ "nhẹ nhàng" thường là người đến làm lễ tạ Bà Chúa Kho.
“Đặc trưng của Đền là không đốt mã, chỉ đốt vàng. Tâm lý của khách đi lễ là hóa nhiều thì Bà cho lộc nhiều, bao năm nay vẫn thế. Mỗi mâm như thế nhẹ cũng phải vài trăm ngàn. Nhìn mà xót. Nhưng mà tâm linh dân tình như thế, chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền, nhắc nhở trên loa chứ cũng không muốn làm gì quá để gây ức chế cho người đi lễ...”, một vị cao niên trong tổ ghi công đức của nhà đền nói.
Thừa nhận thực trạng đốt vàng mã quá nhiều nhưng chính BQL đền Bà Chúa Kho cũng lại tỏ rõ sự lúng túng khi nhắc đến giải pháp giảm nhiệt cho điểm nóng này. Theo một vị trong BQL, đã “chạm” đến đời sống tâm linh của dân thì không thể nóng vội. Một trong những giải pháp không thể xem nhẹ vẫn là công tác tuyên truyền, nhắc nhở.
Những người đến "trả nợ" Bà Chúa thì thường tiền vàng chất đầy mâm.
“Việc sử dụng và đốt quá nhiều vàng mã có giảm được hay không lại là chuyện cần sự phối hợp của nhiều đối tượng, ban, ngành, chứ không thể chỉ đơn thuần giao cho BQL đền hay chính quyền địa phương. Ngay cả việc tuyên truyền, không chỉ loa đài phải tăng cường công suất mà còn cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nữa. Không thể phủ nhận là nhờ có tuyên truyền mà thực trạng đốt vàng mã ở Bà Chúa Kho trong một, hai năm gần đây cũng đã giảm tương đối. Chứ trước đây, những ngày này khách đi trả lễ thường chở cả xe, ùn ùn nhiều bao tải...”, vị này cho biết.
Tiền vàng giả, giá trị thật
Bác Thức, làm xe ôm tại cổng Đền cho biết, thường mỗi mâm lễ tạ giá trị ít nhất cũng vài trăm nghìn đồng, có lễ lên tới cả chục triệu đồng "Người ta đem tiền thật đi mua tiền vàng giả rồi cho vào lò đốt, nhìn mà tiếc đứt ruột. Số tiền đó họ cứ công đức cho nhà chùa lại có ý nghĩa hơn", bác này phàn nàn.
Theo ông Nguyễn Văn Ảnh, PGĐ Sở VHTTDL Bắc Ninh: “Số vàng mã dâng cúng chỉ cho đốt một phần, còn lại được xung vào kho để nhà đền phân thành các túi nhỏ, tán lộc cho du khách mang về. Tại hai địa điểm hóa vàng mã trong đền cũng luôn có lực lượng an ninh và các cụ cao niên trực, nhắc nhở...”.
Tín ngưỡng tôn giáo là một nét đẹp của người Việt, nhưng thiết nghĩ sự "vừa đủ" trong mọi hành động sẽ có giá trị hơn việc bỏ cả "núi" tiền thật đi mua tiền giả để "thiêu" trong vài giây.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Người Đưa Tin ghi được tại Đền Bà Chùa Kho: