Lãnh đạo quốc phòng Đài Loan ngày 6/6 cho biết vùng lãnh thổ này sẽ không thừa nhận bất cứ vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào mà Trung Quốc tuyên bố tại Biển Đông. Động thái này này có thể báo hiệu một làn sóng mới tại khu vực vốn đang căng thẳng này.
Hình ảnh Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Xu-bi của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Các quan chức Mỹ đã quan ngại rằng phán quyết sắp tới của tòa Trọng tài Quốc tế đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines với Trung Quóc sẽ khiến Bắc Kinh tuyên bố một ADIZ giống như những gì họ đã làm ở Hoa Đông năm 2013.
Trung Quốc đòi yêu sách với hầu hết Biển Đông, nơi có giá trị thương mại đường biển mỗi năm lên đến 5 nghìn tỷ USD.
Trong một phiên họp quốc hội, người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan nói với các nhà lập pháp: "Chúng tôi sẽ không công nhận bất cứ ADIZ nào mà Trung Quốc đưa ra".
Những bình luận này được đưa ra sau khi chính quyền mới của Đài Loan do lãnh đài Thái Anh Văn - thuộc đảng Dân tiến (DPP) - đứng đầu tuyên thệ nhậm chức hồi tháng trước. Chiến thắng của bà Thái đã lật đổ 8 năm cầm quyền của Quốc dân đảng trên hòn đảo này.
Trung Quốc đã hứng chỉ trích từ Nhật Bản và Mỹ khi tuyên bố thành lập ADIZ - khu vực mà các máy bay khi đi qua đề phải "xưng danh" với chính quyền Trung Quốc - tại Hoa Đông.
Trung Quốc không xác nhận cũng không phủ nhận việc lên kế hoạch thành lập một vùng nhận dạng bay như vậy ở Biển Đông. Họ nói quyết định sẽ phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm và ngang nhiên tuyên bố mình có mọi quyền để thiết lập một ADIZ như vậy.
"Trong tương lai, chúng tôi không loại trừ khả năng Trung Quốc lập một ADIZ. Nếu Trung Quốc đi theo tuyên bố này, nó có thể mở ra một làn sóng căng thẳng mới tại khu vực", Cục an ninh Quốc gia Đài Loan viết trong báo cáo trình lên quốc hội.
"Những tiêu chuẩn quốc tế"
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 5/6 nói rằng Washington sẽ xem ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông là "khiêu khích và gây mất ổn định".
Phát biểu tại phiên khai mạc đối thoại chiến lược cấp cao ở Bắc Kinh hôm 6/6, ông Kerry nói rằng ông sẽ làm rõ là Mỹ đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên Biển Đông.
"Lập trường duy nhất của chúng tôi là không giải quyết việc này bằng hành động đơn phương, hãy giải quyết việc này thông qua các quy tắc luật pháp, thông qua thương lượng và chúng tôi kêu gọi tất cả các nước tìm ra một giải pháp ngoại giao bắt nguồn từ những tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế", ông nói.
Nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì nói Trung Quốc "kiên quyết đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển".
Trung Quốc đã bị chọc giận khi quân đội Mỹ tuần tra gần các đảo nhân tạo nước này xây trái phép tại Biển Đông. Mỹ nói các cuộc tuần tra này là bảo vệ tự do hàng hải.
Bảo Linh (Reuters)