Bắc Kinh có ý đồ lấy việc cải tạo đảo trên Biển Đông là một căn cứ trước khi mở rộng hải quân ra tầm thế giới, các nhà phân tích tiết lộ.
Máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ giám sát hoạt động xây đảo trái phép của Trung Quốc ở đá Chữ Thập của Việt Nam |
Có một bí mật được công khai giữa các nhà quan sát quân sự , đó là trong nhiều năm qua Mỹ đã cho thấy khả năng của họ trong việc giám sát đường bờ biển phía Nam Trung Quốc.
Tuy nhiên vào tuần trước, giữa lúc căng thẳng leo thang, một máy bay do thám của Mỹ đã cố tình bay vào không phận đang có tranh chấp ở Biển đông.
Máy bay P-8A Poseidon đã bay qua khu vực Trung Quốc đang xây đảo trái phép. Ngay lập tức, hải quân Trung Quốc đã tám lần đưa ra lời cảnh báo trước khi chiếc máy bay này rời khỏi. Trên máy bay này còn có một nhóm phóng viên CNN.
“ Đây là hải quân Trung Quốc, đây là hải quân Trung Quốc, hãy rời đi ngay”, đó là những gì mà các phóng viên CNN ghi nhận và công bố.
Mỹ cho biết mục đích của việc công khai này là nhằm nâng cao nhận thức về các hoạt động cải tạo đảo trên diện rộng của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
Sáu ngày sau đó, Bắc Kinh đã ngang nhiên phát biểu trước thế giới rằng họ sẽ không khoan nhượng cho bất kỳ bên nào vi phạm đến quyền lợi ngoài khơi của họ và sẽ thúc đẩy sức mạnh hải quân trở thành một phần trong chiến dịch quân sự nhằm vươn tới vùng biển ngoài khơi.
Trong sách Trắng quốc phòng mới được công bố, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã báo hiệu một sự chuyển đổi mang tính chiến lược, quả quyết hơn. Chiến lược sẽ chuyển từ sức mạnh quân sự “phòng thủ ngoài khơi” sang “bảo vệ vùng nước mở”
Tin tức này được công bố sau khi việc xây dựng hai ngọn hải đăng đã được tiến hành trên quần đảo tranh chấp Trường Sa.
Tuần này, phía Trung Quốc và Mỹ đã sẵn sàng để “khẩu chiến” về vấn đề chủ quyền lãnh thổ tại Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore.
Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng lý lẽ, thì các hành động của Trung Quốc còn có tầm ảnh hưởng gì? Nước chiếu tướng cho Trung Quốc ở Biển Đông là gì?
Tàu khu trục Yulin của Trung Quốc Yulin bắn súng chống hạm trong cuộc tập trận tại Biển Đông |
Một chỗ đứng vững chắc
Các nhà phân tích cho rằng mục đích của Trung Quốc đã rõ ràng. Trung Quốc đang nỗ lực cải tạo để thiết lập một chỗ đứng vững chắc nhằm tăng cường khả năng phòng thủ gần biển lên mức đáng kể trước khi mở rộng hải quân ra tầm thế giới.
Họ cho rằng Trung Quốc đang tìm cách phát triển “nắm bắt tình huống” về vùng biển khu vực mà nước này vẫn chưa thể làm chủ được trong những năm gần đây.
Các hoạt động cải tạo của Trung Quốc vẫn diễn ra thường xuyên nhưng chỉ từ sau tháng 1 năm ngoái, Trung Quốc mới bắt đầu tăng tốc và đẩy mạnh nỗ lực trên quy mô chưa từng có khiến các nước khác không thể ngồi yên.
Các ảnh vệ tinh do Lầu Năm Góc công bố cho thấy trước tháng 1, sự hiện diện của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa chỉ có những tiền đồn được dựng lên từ lô cốt bê tông trên đỉnh của 7 rạn san hô. Nhưng trong thông báo mới đây của Lầu Năm Góc, kích thước của các công trình xây dựng trên các rạn san hô đã mở rộng từ một vùng chỉ có 2 ha trở thành 800 ha, xét về diện tích đã tăng lên gấp 400 lần.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuần trước cho biết chính quy mô cải tạo của Bắc Kinh đang làm thay đổi hiện trạng ở khu vực chứ không phải là hành động của Mỹ.
Ông Carter nói: “Chúng tôi đã bay qua Biển Đông trong rất nhiều năm rồi, và sẽ tiếp tục làm điều này: đưa máy bay, tàu thuyền qua, hoạt động tại đó. Vì vậy, điều này không có gì mới mẻ nữa”.
“Điều mới ở đây chính là việc cải tạo và quy mô của nó. Và không phải Mỹ mà là Trung Quốc đang làm điều đó”.
Phía Trung Quốc cho rằng việc mở rộng là nhằm mục đích hướng tới công dân, loài người, khoa học, sinh thái và môi trường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Trung Quốc thừa nhận chương trình xây dựng cũng nhằm “thỏa mãn nhu cầu quân sự cần thiết”.
Thời gian gần đây, Mỹ đã bước vào cuộc tranh luận gay gắt hơn, lên án việc Trung Quốc khiêu khích và cảnh báo tự do hàng hải đang bị đe dọa. Những động thái của Mỹ nhằm ngăn cản không để Trung Quốc tạo thế vững trong khu vực. Các nhà phân tích cho rằng mặc dù Washington không có yêu sách ở vùng biển tranh chấp, nhưng họ lại đang tự coi mình là người bảo vệ an ninh khu vực và đang bảo vệ lợi ích địa chiến lược của riêng mình.
Vào ngày 22/5 chỉ hai ngày sau khi Mỹ đưa máy bay giám sát tới khu vực Trung Quốc xây đảo trái phép, Trung Quốc đã gửi đơn khiếu nại chính thức cho Mỹ, coi việc máy bay do thám của Mỹ bay trong địa phận do Bắc Kinh kiểm soát là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”. Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ “phải đính chính lại, giữ nguyên lẽ phải và chấm dứt tất cả các hành động có tính khiêu khích”.
Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập, ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Việc cải tạo đã không thể ngừng
Ông Jonathan Holslag, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại Brussels cho biết việc Mỹ bắt đầu lên tiếng sau khi Trung Quốc tiến hành khai hoang là vô nghĩa. “Những ảnh vệ tinh đã được lưu lại ngay từ khi dự án cải tạo đảo mới bắt đầu” và đối với Trung Quốc, “việc cải tạo đã đến điểm mà họ không thể dừng lại được nữa”.
Nói cách khác, người Trung Quốc đang biến mọi việc thành “sự đã rồi” hòng chiếm ưu thế trong việc sở hữu vật chất ở vùng biển. Các kỹ sư đã chỉ ra rằng việc cải tạo đảo quy mô lớn phải được tiến hành nhanh chóng để tránh cát không bị rửa trôi.
Nhưng ông Alexander Neill, một chuyên gia cao cấp của Đối thoại Shangri-La năm nay cho biết: “Đối với Trung Quốc, để triển khai các nguồn lực một cách đáng kinh ngạc, với tốc độ chóng mặt vá cách hàng nghìn dặm so với bờ biển của họ, đò hỏi họ phải có một kế hoạch tổng thể phức tạp, lâu dài và khoản dự trữ tiền của khổng lồ”.
Một số nhà bình luận Trung Quốc cho rằng “Kế hoạch khai hoang hàng hải này không phải là một vài kiểu phản ứng tức thời, chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Mỹ trong khu vực. Dự án này ắt hẳn đã được các nhà lập kế hoạch và các kỹ sư trong PLA lập ra và được chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình xác nhận”.
Các nhà phân tích lập luận rằng những nỗ lực cải tạo đảo hung hăng của Trung Quốc nhằm mục Tiêu Chiến lược quan trọng.
Ông Philip Yang chủ tịch hiệp hội Quan hệ quốc tế Đài Loan cho rằng: “Ngoài việc đòi chủ quyền lãnh thổ, phía Trung Quốc đại lục còn có một tham vọng là cuối cùng có thể mở rộng hải quân ra tầm thế giới”.
Tham vọng toàn cầu
Vì vậy mà các đảo ở Biển Đông đã trở thành một căn cứ chiến lược để Trung Quốc phát triển khả năng phòng thủ gần biển trước khi mở rộng tầm hải quân ra toàn cầu, ông Yang nói. Để làm được điều này, Trung Quốc cũng cần cơi nới các quần đảo mà nước này kiểm soát đủ lớn để chứa được các căn cứ quân sự và hải quân. Trung Quốc có một căn cứ hải quân gần Sanya nhưng không có nhiều căn cứ khác trong vùng biển này.
Sách trắng Trung Quốc đã phản ánh chiến lược của Bắc Kinh với mục đích trở thành một cường quốc hàng hải có tiềm năng ngoài khơi, đồng thời vẫn phải đảm bảo chủ quyền lãnh thổ.
Tháng trước, nhóm Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS) cho biết Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 3.000 mét trên Đá Vành Khăn của Việt Nam. Đường băng này giúp Trung Quốc có khả năng giám sát và kiểm soát vùng trời trên Biển Đông.
Ngày 22/5, bà Bonnie Glaser, một quan chức cấp cao của CSIS Thái Bình Dương đã phát biểu với Viện Chính sách quốc tế Lowy rằng Trung Quốc rất có thể sẽ lên kế hoạch tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ( ADIZ) tương tự như ADIZ tại Biển Hoa Đông vào 11/2013. Sự việc này đã khiến Nhật Bản và Đài Loan phẫn nộ.
“Trong những năm qua, Trung Quốc không có khả năng bảo vệ các lợi ích của mình ở vùng biển và vùng trời này, nhưng càng ngày họ càng có khả năng làm được với tham vọng ngày càng lớn. Bởi vậy sẽ không thể tránh khỏi việc Trung Quốc nỗ lực rất nhiều để ngăn cản các nước khác can dự vào bất kỳ hoạt động nào trong vùng gần biển”, bà Bonnie nói.
Tuyên bố lập ADIZ tại Biển Hoa Đông vào năm 2013 là tương đối dễ dàng, vì Trung Quốc đã thực sự có một hệ thống radar cảnh báo sớm ở vùng biển này để giám sát Nhật Bản và Đài Loan. “Một khi họ hoàn tất việc xây dựng các hòn đảo và hệ thống radar, họ rất có thể sẽ đủ tự tin để tuyên bố ADIZ”.
Ông Yang lập luận việc Trung Quốc nhanh chóng tiến hành xây dựng tại các khu vực họ kiểm soát là nhằm đảm bảo rằng Biển Đông trở thành một căn cứ vận chuyển năng lượng và các loại hình vận chuyển khác.
Các chuyên gia Đài Loan cho rằng việc cải tạo đảo nhằm phát triển Biển Đông thành cửa ngõ hướng ra Đông Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, và phương tây.
Biển Đông- nơi có trữ lượng dầu khí phong phú – tập trung các tuyến đường biển quan trọng mang tính chiến lược của Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Biển Đông cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của sáng kiến con đường tơ lụa trên biển - “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Các nhà phân tích dự đoán kế hoạch của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục được tiến hành, trừ khi Mỹ có quyết định can thiệp. Nếu điều này xảy ra, thì các tính toán địa chính trị của tất cả các bên sẽ thay đổi.
Lương Lan (Theo SCMP)