Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ nói phán quyết của tòa quốc tế, phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ "tăng cường xung đột, thậm chí là đối đầu".
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại một diễn đàn quốc tế ở Washington, đại sứ Thôi Thiên Khải cũng nói rằng Bắc Kinh vẫn dốc tân đàm phán với các bên khác trong tranh chấp tại tuyến đường thương mại quan trọng.
Trong vụ kiện được xem như phép thử đối với sức mạnh đang lên của Trung Quốc và sự cạnh tranh về chiến lược, kinh tế của Bắc Kinh với Mỹ, Tòa trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague đã phán Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Philippines bằng cách gây nguy hiểm cho các tàu thuyền, kế hoạch khai tác dầu, đánh cá của nước này tại khu vực giàu tài nguyên.
Nhà ngoại giao Trung Quốc đã đổ lỗi cho việc Mỹ "xoay trục" sang châu Á trong vài năm qua đã gây ra căng thẳng tại khu vực. Ông Thôi nói rằng phiên xử của tòa trọng tài "có thể sẽ mở đường cho việc lạm dụng tòa trọng tài".
"Điều này chắc chẵn sẽ ngầm phá hoại và làm suy yếu động lực của các nước muốn tham gia vào các cuộc đàm phán và tham vấn để giải quyết tranh chấp của họ. Nó chắc chắn sẽ làm gia tăng xung đột, thậm chí là đối đầu", ông Thôi nói.
Trung Quốc đã tẩy chay các phiên xử của tòa trọng tài và mô tả chúng như một trò hề. Các chuyên gia pháp lý và Chính sách châu Á cho biết Trung Quốc đã liều vi phạm luật quốc tế nếu còn tiếp tục dở giọng thách thức và phớt lờ phán quyết.
Mỹ thì tuyên bố rằng phán quyết này cần được coi là cuối cùng và bắt buộc.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ hối thúc tất cả các bên không sử dụng điều này làm cơ hội để có những hành động leo thang hay khiêu khích", phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.
Phán quyết này là quan trọng vì đây là lần đầu tiên một thách thức pháp lý được đưa ra trong tranh chấp. Tòa án không có quyền ép các bên tuân thủ nhưng chiến thắng của Philippines có thể thúc đẩy Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei đệ trình đơn kiện tương tự đối với các yêu sách của họ tại vùng biển này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của tòa án, nói rằng người dân của họ đã có hơn 2.000 năm lịch sử tại Biển Đông và các đảo ở khu vực này có vùng đặc quyền kinh tế, họ đã tuyên bố với thế giới thông qua tấm bản đồ năm 1948. Tuy nhiên, tấm bản đồ này đã bị thế giới phản đối.
Chiều 12/7, Tòa trọng tài Thường trực PCA đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Theo đó, (PCA) tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong cái mà nước này gọi là "đường lưỡi bò".
Bảo Linh (Reuters)