Mỹ và châu Âu vẫn đang là điểm nóng của đại dịch, theo thống kê của trang mạng worldometer.info, sáng 5/4 cho biết, thế giới đã ghi nhận 1.199.583 người, với 64.662 ca tử vong và 246.174 ca phục hồi, tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 102.485 ca nhiễm và 5.762 ca tử vong so với hôm trước.
Mỹ thông báo 305.820 ca nhiễm, tăng 27.867 ca so với hôm trước, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Nước này ghi nhận thêm 1.139 người tử vong hôm qua, nâng tổng số người chết vì nCoV lên 8.291.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất với 113.704 ca nhiễm, tăng 10.841, trong đó 3.565 người chết.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 4/4 thông báo ghi nhận thêm 4.805 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 124.632 trường hợp. Số ca tử vong là 15.362 trường hợp (tăng 681 ca), số ca hồi phục tăng lên 20.996 ca (tăng 1.238 ca).
Angelo Borrelli, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết, trong số các ca nhiễm bệnh hiện tại có 29.010 ca nhập viện, 3.994 ca phải điều trị tích cực (giảm 74 ca so với hôm 3/4), và đây cũng là lần đầu tiên nước này ghi nhận số ca điều trị tích cực giảm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 809 người chết và 7.026 ca nhiễm mới, nâng tổng số nhiễm và tử vong lên lần lượt là 11.744 và 124.736. Nước này trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Số người đã hồi phục tại Tây Ban Nha là 34.219, tăng 3.706.
Đức là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu với 85.778 người dương tính với nCoV và 1.158 người chết, tăng lần lượt 6.082 và 141 so với hôm trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói "có chút hy vọng" khi số ca nhiễm và ca tử vong mới mỗi ngày có dấu hiệu tăng chậm lại, song còn quá sớm để nhận định xu hướng phát triển của đại dịch và chưa tới lúc nới lỏng các biện pháp phòng chống.