Tính tới 6 giờ sáng 16/3, thế giới đã có 169.175 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và 6.500 ca tử vong. 15/3 trở thành một trong những ngày ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ đầu dịch bệnh với 667 người thiệt mạng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận hiện đã có 157 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19.
Tại châu Âu, nhiều quốc gia đang oằn mình chống dịch, sau Italy thì Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai bởi dịch COVID-19. Giới chức nước này cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã chứng kiến thêm 96 người tử vong trong vòng 1 ngày qua và 1.407 ca bệnh mới, nâng tổng số nạn nhân tử vong mà mắc bệnh lên lần lượt là 292 và 7.798 trường hợp.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày để đối phó với COVID-19, trong đó có biện pháp cấm mọi người rời khỏi nhà trừ trường hợp đi làm, khám chữa bệnh, mua thuốc hoặc mua nhu yếu phẩm.
Trong khi đó, Đức cũng lần lượt ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh. Quốc gia này đã ghi nhận thêm 2 ca tử vong, 1.214 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số lên 11 người thiệt mạng và 5.813 ca bệnh. Đức đã quyết định đóng cửa biên giới với các nước Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Đan Mạch và Luxemburg trong nỗ lực hạn chế tình trạng lây nhiễm khi số ca lây nhiễm liên tục tăng theo cấp số nhân.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và thủ hiến 4 bang của Đức đã điện đàm và nhất trí đóng cửa biên giới với 5 nước láng giềng phía Tây Nam bắt đầu từ 8h sáng ngày 16/3 theo giờ Đức.
Các bên nhất trí siết chặt kiểm soát vùng biên giới và đưa trả lại các trường hợp ra ngoài biên giới Đức, ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa vẫn đảm bảo lưu thông. Cả Đức và 5 nước láng giềng đều nằm trong khối Schengen - khu vực đi lại tự do tại châu Âu.
Hiện các trường học ở 16 bang của Đức đều đã đóng cửa, trong khi đa số các quán bar, nhà hàng, vũ trường và các cơ sở công đều đã bị đóng cửa.