Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, Đạo giáo ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân. Đạo giáo quan niệm Ngọc Hoàng là vị thần vĩ đại của trời đất, sở hữu sức mạnh vô hạn, chỉ huy tất cả các vị thần. Vị trí của Ngọc Hoàng trên thiên giới giống như hoàng đế chốn nhân gian, quản lý mọi việc của 6 giới, quyền lực không giới hạn và có thể quản lý cả địa ngục. Lễ vật dành cho Ngọc Hoàng trong lịch sử Trung Quốc còn trang trọng hơn cả Tam Thanh (vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo). Suốt nhiều thế kỷ, mọi người đã tưởng tượng về Ngọc Hoàng với một tình cảm kính sợ.
Trước khi có phim ảnh, hình ảnh của Ngọc Hoàng trong trí tưởng tượng của mọi người chủ yếu dựa vào tranh vẽ, khá trừu tượng. Khi có phim ảnh, mỗi khi xuất hiện nhân vật Ngọc Hoàng, trang phục và hóa trang của họ phải tuân theo hình ảnh này. Ngọc Hoàng không thể là một thanh niên, không thể thiếu uy uy, nhưng cũng không được thiếu sự thân thiện. Ông ấy đã sống hàng vạn năm, chắc chắn phải có một bộ râu dài. Là vị thần vĩ đại của trời đất, ông ấy cũng phải đội vương miện, biểu thị quyền lực.
Đã có rất nhiều diễn viên đóng vai Ngọc Hoàng nhưng người phù hợp nhất với tưởng tượng của công chúng có lẽ là Chương Ngọc Thiện và Vương Vệ Quốc. Diễn viên Chương Ngọc Thiện từng đóng vai Ngọc Hoàng trong bản Tây Du Ký 1986. Với việc phim được phát sóng nhiều lần, hình ảnh của ông đã in sâu trong lòng khán giả.
Còn Vương Vệ Quốc là Ngọc Hoàng xuất hiện trong Bảo Liên Đăng Tiền Truyện và Tây Du Ký phần 2. Ngọc Hoàng mà ông đóng cũng được công chúng yêu mến. So sánh giữa 2 diễn viên, nhân vật Ngọc Hoàng của Vương Vệ Quốc không kém phần uy nghi nhưng lại gần gũi hơn một chút. Có lẽ vì vậy mà ông bị chú ý và được in lên tiền âm phủ.
Tiền âm phủ, còn gọi là tiền âm, trong ý thức của mọi người, là loại tiền tệ có thể lưu thông ở thế giới âm. Sau khi có giấy, loại tiền tệ này cũng biến đổi theo tiền tệ ở thế giới nhân gian. Dù là vàng mã, tiền giả nhưng mọi người đều cho rằng chúng có thể dùng để cúng tổ tiên.
Bởi vì tiền âm được coi là tiền tệ chung của thế giới âm, nhiều người đã cố đốt thật nhiều cho tổ tiên: một là để ông bà tiêu, hai là để làm lộ phí cho các vị thần, ba là để hối lộ Diêm Vương, giảm hình phạt cho người thân họ ở thế giới âm. Vì Ngọc Hoàng là chủ nhân của trời và đất, quản lý cả Diêm Vương và Địa Ngục nên tiền âm in hình Ngọc Hoàng chắc chắn sẽ có uy thế hơn và dễ sử dụng hơn.
Do đó, trên thị trường tiền âm, tiền có hình ảnh Ngọc Hoàng rất phổ biến. Con số in trên đó thường là 10 tỷ, 20 tỷ...
Thị trường tiền âm không được quy chuẩn như tiền thật, tiểu thương in tiền theo ý muốn của họ. Hình ảnh Ngọc Hoàng cũng có nhiều phiên bản khác nhau. Tuy nhiên, Ngọc Hoàng của Vương Vệ Quốc quá giống, khắc sâu trong lòng người xem nên tiền âm in hình ảnh của ông rất nhiều.
Có lần, Vương Vệ Quốc đi mua vàng mã về cúng tổ tiên thì không ngờ mua phải một xấp tiền in khuôn mặt mình. Lúc đó, ông cảm thấy xui xẻo và bị xúc phạm nên muốn đâm đơn kiện. Tuy nhiên, vì tiền âm phủ quá phổ biến, nam diễn viên đã không thể tìm ra ai là kẻ đầu tiên sử dụng hình ảnh của mình.
Cuối cùng, Vương Vệ Quốc tìm đến tận nhà máy sản xuất và bắt họ phải thay đổi hình ảnh in trên tiền. Nhưng điều này xảy ra nhiều lần, các cơ sở sản xuất vẫn làm việc vì lợi nhuận.
Sau đó, Vương Vệ Quốc cũng từ bỏ sự việc. Trong một chương trình, nam diễn viên Tây Du Ký từng chia sẻ nó thực sự khiến ông đau đầu. Lời nói này một nửa là sự bất lực, một nửa là nỗi buồn ngọt ngào. Rốt cuộc, có rất nhiều người đóng vai Ngọc Hoàng, nhưng chỉ mình ông bị chú ý, điều này cũng chứng tỏ khả năng diễn xuất của ông đã được công chúng công nhận, và có lẽ đây cũng là một sự an ủi.