Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc-Đô đốc Tôn Kiến Quốc vừa lên tiếng cảnh báo những cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của hải quân nước ngoài tại Biển Đông sẽ "kết thúc trong thảm họa".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ-quốc gia không có tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông nhưng đã nhiều lần điều tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Reuters hôm 18/7 đưa tin, tuyên bố được đưa ra trong một hội nghị kín tại thủ đô Bắc Kinh từ hôm 15/7. Ông Tôn Kiến Quốc cho rằng, nhiều nước đang lợi dụng vấn đề tự do hàng hải để "thổi phồng" vấn đề Biển Đông.
Ông Tôn lớn tiếng cho rằng, Bắc Kinh là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ "tự do hàng hải tại Biển Đông" và khẳng định Trung Quốc sẽ không để bất cứ ai hủy hoại nguồn lợi này.
Ám chỉ các cuộc tuần tra của Mỹ, ông Tôn tuyên bố phản đối "cái được gọi là tự do hàng hải quân sự vốn đem đến những mối đe dọa quân sự, thách thức và không tôn trọng luật pháp quốc tế về biển".
Ông Tôn đe dọa, "kiểu tự do này đang 'phá hoại' tự do hàng hải thật sự trên Biển Đông và, 'nó có thể kết thúc trong thảm họa".
Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc-ông Tôn Kiến Quốc. |
Trước đó, Bắc Kinh đã cứng đầu, kiên quyết phản đối phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA hôm 12/7 về vụ Philippines kiện Trung Quốc xung quanh những yêu sách chủ quyền của nước này tại khu vực Biển Đông. Theo phán quyết, Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là “đường lưỡi bò” hay "đường chín đoạn" chiếm trọn gần cả Biển Đông. Bắc Kinh cũng đã giận dữ phản ứng trước việc các nước phương Tây và Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết.
Trong một diễn biến có liên quan, một học giả Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa vừa có bài viết "khuyên" chính quyền Bắc Kinh nên đối diện với phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông.
Sau đó, ông thẳng thắn phê bình, Trung Quốc cần nghiêm túc và lý tính đối với phán quyết này. Ông đưa ra minh chứng, ngay từ ngày 15/5/1996, khi Trung Quốc lần đầu tuyên bố đường lãnh hải bao gồm quần đảo Hoàng Sa là đã vi phạm luật quốc tế. Ông nhận đinh, việc làm này của Trung Quốc sẽ "gây tổn hại đến uy tín trên trường quốc tế của mình, cản trở hoạt động bình thường của việc phân định biển".
Nghiêm Thu