Tạp chí The Diplomat của Nhật cho rằng, khi đang cận kề ngày Tòa án Trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc, Washington nhất định phải đứng về phía quốc gia đồng minh thân cận và lâu năm này để đề phòng "cơn giận" của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông lên cao, mối quan hệ liên minh của Mỹ với Philippines có thể đang tiến gần đến một trong những thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử 65 năm. Trong những năm qua, thế giới đã chứng kiến những động thái không ngừng của Trung Quốc hòng kiểm soát các đảo và vùng biển bao quanh bằng một bản đồ gọi là "đường 9 đoạn", chiếm tới hơn 2/3 diện tích Biển Đông.
Tại thời điểm này, chỉ còn vài tuần trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) được dự đoán là sẽ đưa ra phán quyết nói rằng yêu sách Biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp. Một quyết định như vậy chắc chắn sẽ làm nóng lên những căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines, đúng lúc một chính quyền mới lên nắm quyền ở Manila. Trong những tình huống gay go và biến động, việc Mỹ và Philippines phải sát vai ngăn chặn sự leo thang và gây hấn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tòa Trọng tài Thường trực sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc, mà được dự đoán sẽ bất lợi cho Bắc Kinh. |
Thực tế hiện nay cho thấy, liên minh Mỹ - Philippines đang ở giai đoạn vững mạnh nhất kể từ Chiến tranh lạnh và vẫn đang trên đà phát triển mạnh hơn. Trong hơn 15 năm qua, việc chia sẻ quan ngại về chủ nghĩa khủng bố, thảm họa tự nhiên cũng như sức mạnh trỗi dậy và hành vi gây gổ của Trung Quốc càng khiến hai nước xích lại sát nhau hơn. Hiện nay, 71% người Philippines ủng hộ sự tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Á - tỉ lệ cao nhất tại bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Năm 2004, hai nước đã ký Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác quốc phòng (EDCA) , cho phép quân đội Mỹ hoạt động tại một số địa điểm đã được quy định trong thỏa thuận hai bên. Năm ngoái, quốc hội Mỹ đã ban hành Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á, cho phép Washington hợp tác cùng Philippines và một số quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Malaysia, Indonesia,... tăng cường an ninh hàng hải của họ.
Tất cả những xu hướng này đều được khuyến khích. Nhưng trong khi liên minh Mỹ - Philippines đã và đang lấy lại được sức mạnh, thì mối quan ngại Trung Quốc vẫn luôn hiện hữu. Trong 2 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã dần cải thiện khả năng triển khai sức mạnh ở Biển Đông và tiến hành chiến dịch "vùng xám" gây hấn bán quân sự thông qua lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển. Từ năm 2012, Cảnh sát biển Trung Quốc đã chiếm ưu thế trong việc tranh chấp chủ quyền với Manila về bãi cạn Scarborough - một bãi cạn nhỏ ngoài khơi đảo Luzon của Philippines mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các tiền đồn trên đảo nhân tạo nhằm đẩy nhanh quyền kiểm soát tại đây.
Các đồng minh châu Á đều muốn Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự thường xuyên trong khu vực. Ảnh: US Navy |
Theo The Diplomat, cho đến nay, phản ứng của Philippines đối với việc bãi cạn Scarborough bị chiếm đóng, những nỗ lực cải tạo của Trung Quốc và Chính sách quấy nhiễu ngư dân đã được cân nhắc một cách đáng khen ngợi: tránh đối đầu bạo lực và khiêu khích, mà thay vào đó là sử dụng luật pháp quốc tế và Tòa Trọng tài thường trực.
Hiện nay, PCA được cho là sẽ ủng hộ quan điểm của Philippines - động thái được cho là sẽ khiến Trung Quốc nổi giận. Theo những nhà quan sát Biển Đông, động thái tiếp theo của Bắc Kinh có thể là thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) trên Biển Đông và triển khai các máy bay quân sự, hệ thống tên lửa đất đối không tới các tiền đồn trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp. Bắc Kinh cũng có thể sẽ bắt đầu xây dựng một căn cứ trên đảo nhân tạo ở Scarborough - nơi cách thủ đô Manila chỉ 200 dặm. Trung Quốc cũng có thể sẽ tăng cường việc gây bất lợi cho ngư dân và thương mại hàng hải của Philippines cùng các nước khác tại nơi mà Bắc Kinh ngang ngược khẳng định chủ quyền bằng bản đồ "đường 9 đoạn".
Quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. |
The Diplomat khẳng định, để ngăn chặn Trung Quốc thực hiện bất kỳ động thái gây bất ổn nào, Mỹ và Philippines cần phải "vai kề vai" trong những tuần và những tháng tới. Năm 1951, hai nước đã ký hiệp ước Phòng thủ chung "để không một kẻ thù tiềm năng nào có thể ảo tưởng rằng Mỹ hoặc Philippines trơ trọi một mình ở Thái Bình Dương". Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng tuyên bố rằng, cam kết của Mỹ đối với an ninh Philippines vẫn rất cứng rắn.
"Tuy nhiên, để ngăn chặn việc gây gổ ở Biển Đông, chúng ta sẽ phải chắn chắn và rõ ràng rằng, cả hai nước đều bị ràng buộc để đối phó với một cuộc tấn công bằng lực lượng vũ trang, tàu công hay máy bay của phía địch, cũng như vào các đảo thuộc chủ quyền của mình".
Theo The Diplomat, trong tương lai gần, những cam kết của Mỹ nên được thường xuyên chứng thực bằng sự hiện diện liên tục của các lực lượng Hải quân Mỹ, và về lâu dài là bằng những nỗ lực không ngừng để xây dựng khả năng phòng thủ của Philippines đối với sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc, duy trì sự ổn định cân bằng của sức mạnh quân sự trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố rằng, cam kết của Mỹ đối với an ninh Philippines vẫn rất cứng rắn. Ảnh: Department of Defense |
Có thể thực tế sẽ không diễn ra chính xác như vậy, nhưng những nỗ lực này vẫn có thể được sử dụng để ngăn chặn các mối đe dọa đối với hòa bình, thịnh vượng khu vực cũng như những nguyên tắc của pháp luật. Dù Mỹ không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, những cũng cần ủng hộ những bên đang theo đuổi giải pháp hòa bình. Philippines là một bên như vậy, đồng thời còn là một đồng minh thân cận lâu năm của Mỹ, mà theo lời Bộ trưởng Carter là "mạng lưới an ninh có nguyên tắc" trong khu vực. Và sự ủng hộ của Mỹ đối với Philippines còn là cách để Washington chứng minh cho các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc thấy rõ giá trị trong vai trò là một đồng minh của Mỹ.
Xem thêm video:
[mecloud]BAugrG9AgQ[/mecloud]
Lê Huyền (The Diplomat)