Việc phát tờ rơi phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa để tuyên truyền chủ quyền phi pháp ở Biển Đông của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la đã bị nhiều đại biểu từ các nước tham gia chất vấn.
Trao đổi với báo VnExpress, Thượng tướng Võ Tiến Trung, thành viên phái đoàn Việt Nam tại Shangri-la, cho biết, đại biểu từ nhiều nước tham gia Đối thoại đã chất vấn Trung Quốc về động thái phát tờ rơi nhưng Bắc Kinh "trả lời quanh co" và tiếp tục cho rằng sẽ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
"Đô đốc Tôn Kiến Quốc, dẫn đầu đoàn Trung Quốc hôm nay thừa nhận có việc này. Ông Tôn không trả lời được phần chất vấn của các đại biểu, thay vào đó là nói về 'công trạng' gìn giữ hòa bình của Trung Quốc", tướng Trung nói.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc dẫn đầu đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La. Ảnh: CNA |
Đô đốc Trung Quốc cho rằng, nước này có tới 8.000 binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, là nước đóng góp kinh phí lớn thứ hai.
Trước đó, báo Tuổi trẻ đưa tin, chiều 3/6, ngay sau cuộc tiếp xúc song phương với đoàn quốc phòng Việt Nam, đoàn Trung Quốc đã phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông bằng những luận điệu sai trái cho các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-la ở Singapore.
Nội dung các tờ rơi này nói rằng các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, và quần đảo Nam Sa (là Trường Sa của Việt Nam). Bốn quần đảo này đều hợp thành lãnh thổ của Trung Quốc.
Tờ rơi tiếng Hoa gồm những nội dung xuyên tạc về Biển Đông mà Trung Quốc chủ ý phát cho các đại biểu quốc tế tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Tuổi trẻ |
Về quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc trắng trợn nói rằng một số nước xung quanh Biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa hiện nay và Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên, và khai thác quần đảo Trường Sa.
Trong tờ rơi, Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng yêu cầu lãnh thổ của các nước khác đối với quần đảo Trường Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại nghĩa vụ của mình đối với việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác.
Ngoài ra, Trung Quốc nói vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan, và rằng ASEAN là một tổ chức khu vực, không thể tham gia phán quyết với tư cách là một đương sự trong tranh cãi này.
Lê Huyền (tổng hợp)