Hàng chục héc ta đất nông nghiệp màu mỡ của người dân bị thu hồi để phục vụ dự án nghìn tỷ của Tập đoàn Nam Cường bị bỏ hoang làm bãi trồng chuối khiến người dân không khỏi xót xa.
Dự án nghìn tỷ nằm “đắp chiếu”
Nằm tiếp giáp với Quốc lộ 32, cách Hà Nội 17 km trên địa bàn huyện Phúc Thọ và huyện Thạch Thất, trải dài 3,3km trên tuyến đường trục kinh tế Bắc – Nam, khu đô thị mới Thạch Phúc có tổng diện tích quy hoạch là 507,68 ha.
Dự án Khu đô thị Thạch Phúc được thiết kế quy hoạch để trở thành trung tâm thương mại sầm uất.
Các khu biệt thự và nhà ở thấp tầng trong khu đô thị được bố trí xung quanh hai khu công viên hồ nước rộng trên 40 ha, xen kẽ là các công trình bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí sinh hoạt cộng đồng…
Ngoài ra, trong khu đô thị có quy hoạch riêng các khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, phát triển nông nghiệp sạch chất lượng cao, giải quyết việc làm cho nông dân khi bị thu hồi đất, tạo môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Chủ trương là thế, nhưng sau nhiều năm, hàng chục héc ta đất nông nghiệp của người dân bị thu hồi để phục vụ dự án bị bỏ hoang.
Theo nguồn tin trên báo An ninh tiền tệ và truyền thông, trao đổi với người dân ở xã Văn Phúc huyện Phúc Thọ cho biết, dự án này khởi công từ năm 2007.
Ngày khởi công trống rong cờ mở, nhưng kể từ đó đến nay, “đại dự án” này của Tập đoàn Nam Cường “phủ mền đắp chiếu”.
Nhiều người còn không nhớ rõ tên dự án này. Suốt từ ngày khởi công, họ không thấy chủ đầu tư quay lại. Nhiều năm qua, chỉ có duy nhất một bảo vệ trông coi ở đây.
Nhìn mảnh đất từng là bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang, người dân tỏ ra ngao ngán, họ cho rằng, chủ đầu tư đã “bỏ của chạy lấy người” vì hết kinh phí.
Theo quan sát, tại khu đất dự án này mới chỉ có một căn nhà tạm được dựng lên để làm nơi ở cho bảo vệ, còn toàn bộ khu đất trống mới được trồng chuối.
Bên ngoài hàng rào dự án là tấm biển “to đùng” của Tập đoàn Nam Cường. Ảnh: ANTT.VN
Được biết, dự án Khu đô thị Thạch Phúc là một trong bốn đại dự án xây dựng đô thị dọc tuyến đường kinh tế Bắc – Nam Hà Nội của Tập đoàn Nam Cường.
Cách đây 8 năm, dự án phát triển trục kinh tế Bắc - Nam Hà Tây (sau này là Hà Nội) được thông tin rầm rộ.
Với những thông số đưa ra, có thể thấy, đây là một đại dự án, khi triển khai, sẽ thúc đẩy sự phát triển cơ bản của các huyện nghèo phía Tây Hà Nội.
Theo đó, tuyến đường trục kinh tế Bắc- Nam được Tập đoàn Nam Cường khởi công xây dựng vào ngày 6/7/2007 nhằm đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Hà Nội.
Tuyến đường dài trên 63km, bắt đầu từ xã Văn Phúc, huyện Phúc Thọ chạy qua 7 huyện và điểm cuối kết nối với đường Đỗ Xá - Quan Sơn, huyện Phú Xuyên.
Tuyến đường sẽ là cơ sở để hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị mới, mạng lưới dịch vụ, thương mại, trung tâm văn hoá, làng nghề ở hai bên tuyến đường như Khu đô thị Thạch Phúc, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hoà, Phú Xuyên…, với quy mô dân số khoảng nửa triệu người.
Tổng mức đầu tư của dự án này lên đến 7.694 tỷ đồng và thời gian thi công kéo dài 5 năm.
Sau khi nghiên cứu và đàm phán, UBND tỉnh Hà Tây (năm 2007) đã quyết định lựa chọn Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư dự án theo hình thức BT.
Nam Cường bỏ vốn xây dựng và hoàn thành tuyến đường và đổi lại, UBND tỉnh Hà Tây giao Tập đoàn một số khu đất để thực hiện các dự án khác nhằm thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.
Tuyến đường trục kinh tế Bắc - Nam có mặt cắt ngang rộng 42 m, giữa là dải cây xanh rộng 5 m, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Đoạn đường chạy qua đô thị có tổng chiều dài 22 km kéo dài từ Quốc lộ 32 đến Quốc lộ 6 với mặt cắt rộng 150 m2 với 18 làn xe cơ giới, 7 dải cây xanh phân cách và 8 dải đèn cao áp.
Trước đây, trả lời báo chí, ông Trần Oanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường cho biết, dự án đã xây dựng 6,3 km đầu tuyến đường trục Bắc - Nam từ Km0+00 : Km 6+200 (từ đê Vân Cốc đến quốc lộ 32) thuộc huyện Phúc Thọ.
Đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng 16ha Khu đô thị Thạch Phúc thuộc huyện Thạch Thất và huyện Phúc Thọ phục vụ công tác sản xuất ống cống và đúc cấu kiện bê tông công suất lớn.
Đã xây dựng xong cầu vượt Đại lộ Thăng Long vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tổng kinh phí Tập đoàn đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Nhưng kể từ đó đến nay, không thấy bất cứ thông tin gì về việc Tập đoàn Nam Cường tiếp tục thi công dự án hàng nghìn tỷ này.
Trong khi đất bỏ hoang gần chục năm nay, người dân vốn quen với việc đồng áng thì không có đất canh tác.
Ngày nghe tin dự án, họ vui mừng bao nhiêu, thì đến nay họ càng buồn bấy nhiêu khi nhìn những ruộng lúa đang vào thời con gái, xanh tốt xung quanh dự án.
Chân dung bà chủ tập đoàn Nam Cường
Bà Lê Thị Thúy Ngà là Chủ tịch tập đoàn Nam Cường Hà Nội. Bà Ngà đã tiếp quản vị trí lãnh đạo Tập đoàn Nam Cường sau khi chồng bà, doanh nhân Trần Văn Cường qua đời đầu năm 2010. Ở toàn miền Bắc cũng như ở Hà Nội, Nam Cường là một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn này là chủ đầu tư của các khu đô thị như Cổ Nhuế, Phùng Khoang, Dương Nội (Hà Nội) cùng nhiều dự án khu đô thị ở Nam Định, Hải Dương.
Bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch tập đoàn Nam Cường.
Dù có rất nhiều hoạt động kinh doanh ở Hà Nội, nhưng Nam Cường vẫn đặt trụ sở chính ở Nam Định. Theo giấy chứng nhận kinh doanh của Nam Cường, hiện vốn điều lệ của tập đoàn này đạt 4.500 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân bà Ngà sở hữu lượng cổ phần xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 88,86% cổ phần. Số cổ phần còn lại thuộc về bà Trần Thị Quỳnh Ngọc – Phó chủ tịch, nắm giữ xấp xỉ 500 tỷ đồng, tương đương 11,11% cổ phần. Người còn lại là ông Trần Oanh – Tổng giám đốc nắm giữ 0,03%.
Theo số liệu CIC thì vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2011 của Nam Cường lên đến 9.800 tỷ đồng, tức gấp đôi vốn điều lệ. Như vậy đồng nghĩa với lượng cổ phần của bà Ngà có giá trị sổ sách khoảng 8.700 tỷ đồng.
Giả sử như cổ phiếu của Tập đoàn Nam Cường được niêm yết trên sàn chứng khoán và giao dịch tại mức giá bằng với giá trị sổ sách thì với 8.700 tỷ đồng, bà Ngà sẽ vượt qua bầu Đức thành người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán sau chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Nếu tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cp) thì bà Ngà cũng vững chắc ở vị trí số 2.
Bảo An (tổng hợp)