Chơi đồ cổ không chỉ còn là thú chơi riêng của những đại gia giàu có mà nó còn là nét văn hóa độc đáo. Ở đó lưu giữ “ tâm hồn” của từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử dường như chìm dần vào quên lãng của một thời xa xôi… Tuy nhiên, có những đại gia Việt sở hữu kho đồ cổ trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Kho đồ cổ 100 tỷ đồng của đại gia Phú Yên
Khắp các tỉnh miền Trung và trên cả nước, giới chơi đồ cổ không ai không biết đến ông Đoàn Phước Thuận - Chủ nhiệm CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên với kho đồ cổ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo tin tức trên báo Người lao động, căn nhà rộng rãi, nằm sâu trong con hẻm trên đường Ông Ích Khiêm của ông Đoàn Phước Thuận (65 tuổi, ngụ phường 4, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) trưng bày cổ vật từ ngoài cổng vào nhà. Là người chuyên sưu tầm đồ sành sứ của thời nhà Nguyễn, hiện trong nhà ông có đến hàng ngàn cổ vật đủ các loại từ gốm sứ, chum chóe… Trong đó nhiều nhất là đồ lam Huế.
Ông Thuận cho rằng hầu hết các món đồ cổ của ông đều được mua bằng vàng, có những món không dưới 10 lượng vàng. Hỏi về gia sản đồ cổ của mình, ông chỉ cười. Nhưng theo một số hội viên CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên, kho tàng ấy giá trị không dưới 100 tỉ đồng.
Kho đồ cổ của ông chỉ được hé lộ khi ông tổ chức đám cưới cho con gái gần đây. Trong đám cưới ấy, toàn bộ chén, tô, dĩa đựng thức ăn ông dọn ra bàn đều bằng đồ cổ. Hơn 500 khách đã phải run tay khi cầm đến những cái chén có giá không dưới 1 lượng vàng để dùng.
Kho tiền cổ 6 tấn của đại gia Bắc Ninh
Là người đầu tiên khởi xướng thú chơi tiền cổ ở Việt Nam và cũng là người đầu tiên theo đuổi thú chơi này một cách bài bản, ông Thạo được biết đến như một ông “Vua tiền cổ” xứ Kinh Bắc khi nắm giữ trong tay lượng tiền cổ khổng lồ lên đến 5 - 6 tấn tiền.
Trong đó, có tất cả hơn 200 loại tiền giấy, gần 400 loại tiền xu của Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ thời Đinh Bộ Lĩnh tập hợp mười hai sứ quân và xưng vương khẳng định chủ quyền đất nước năm 968 cho đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay. Ngoài ra, ông còn lưu giữ một lượng tiền lớn của nước ngoài xuất hiện ở nước ta từ thời nhà Tần, khoảng gần 2000 năm trước.
Với bộ sưu tập đầy đủ các loại tiền theo một tiến trình lịch sử nhất định, bộ sưu tập tiền cổ của ông đã được mang đi triển lãm ở nhiều nơi. Thông qua bộ sưu tập mà ông đã phải mất gần ba mươi năm để có, người xem có thể thấy được lịch sử, kinh tế, văn hóa, chính trị của các thời đại đã qua. Mỗi đồng tiền mang trên mình hình ảnh của đất nước trong cả một triều đại.
Theo thống kê của riêng ông, đã có hơn bốn mươi loại tiền cùng tồn tại và có giá trị sử dụng, gọi chung là tiền kháng chiến. Việt Minh đánh chiếm đến đâu, sẽ mang theo tiền riêng để lưu hành ở vùng mình đã giải phóng. Tiền loại này thường được đóng dấu riêng của Ủy ban kháng chiến. Tiền có dấu mới có giá trị sử dụng, còn những loại tiền khác đều mang tiêu hủy để khẳng định chủ quyền của vùng được tự do.
Kho đồ cổ độc đáo của "đại gia" Hà thành
Ông Nguyễn Tường Long (Hà Nội) sở hữu cho riêng mình rất nhiều đồ cổ giá trị, trong đó có những món đồ được coi là độc nhất vô nhị.
Trong số những đồ cổ ông Long đang gìn giữ, có những món đồ thuộc dòng "gia bảo" do các cụ tiền nhân để lại. Và để phong phú thêm bộ sưu tập, ông Long cất công lặn lội khắp nơi tìm mua những món đồ quý hiếm. Tầng hai và tầng ba của ngôi nhà các món đồ bày nêm chặt nhưng cũng rất trật tự.
Gian để đồ thờ cũng là những bảo vật, chiếc tủ thờ thời nhà Nguyễn sau này ông Long mua được từ một nhà đại tư sản của Hà Nội cuốn thư dát vàng ròng và lộ bộ bát bửu (tám loại binh khí) là những vật gia truyền từ các cụ để lại mà ông Long đang gìn giữ có niên đại gần 200 năm.
Cuốn thư được bày trang trọng trên ban thờ, tiền nhân khắc lên đó những công trạng, sự học, gốc tích của gia tộc để nhắc nhớ con cháu về sau. Theo các nhà sử học, cuốn thư xuất hiện chủ yếu vào thời Nguyễn ở dạng bình phong và các bức hoành phi, trên trán nhà.
Ngoài những đồ gỗ cổ có giá trị, ông Long còn sở hữu những đồ gốm quý hiếm.
Ngôi nhà gắn 9.000 đồ cổ ở Vĩnh Phúc
Để có được kiểu kiến trúc lạ đời cho ngôi nhà, gia chủ đã mất 16 năm vừa xây dựng vừa thiết kế, với hơn 9.000 tác phẩm gốm sứ từ các triều đại Hán, Đường, Tống, Lý, Trần...
Gắn đổ cổ lên ngôi nhà mình là cách ông Nguyễn Văn Trường (Vĩnh Phúc) lưu giữ đồ vật cổ, mà theo ông là cho khỏi mất: “Trong nhà đang sở hữu nhiều loại cổ vật đẹp và quý, tôi sợ để lâu không giữ gìn được, mất cắp như chơi, nên ý tưởng gắn đồ cổ của mình thành một ngôi nhà dần hình thành. Gắn các đồ vật như vậy sẽ lưu giữ được lâu năm, và hơn hết mọi người có thể ngắm toàn bộ cổ vật khi đến chơi nhà”, ông Trường chia sẻ.
Trong suốt hơn 30 năm nay, ông Trường đã dành hết thời gian cho công việc sưu tầm đồ cổ, với nhiều loại gốm sứ đa dạng từ các thời Hán, Đường, Tống... của Trung Quốc đến các đời Lý, Trần, Nguyễn… của Việt Nam, có giá trị từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Cách trang trí nhà bằng việc ghép các đồ gốm sứ cổ theo ngẫu hứng đã tạo nên nét độc đáo hiếm có cho gia chủ. Sở hữu ngôi nhà gốm sứ độc nhất vô nhị, ông Trường từng tâm sự rằng, một trong những mong muốn lớn nhất của ông chính là bảo tồn, lưu giữ cho người dân về những di vật cội nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam.
Bảo An (tổng hợp)