Các nhà lãnh đạo G7 đang nhóm họp tại Ise-Shima, Nhật Bản, đã đồng ý mở rộng lệnh trừng phạt Nga trong tháng 6.
Các nhà lãnh đạo G7 tại Ise-Shima, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
"Với Nga, G7 đã đồng ý về tầm quan trọng của việc gia hạn các lệnh trừng phạt trong tháng 6. Ukraine là nạn nhân của sự xâm lược do Nga hậu thuẫn. Chúng ta không bao giờ được quên điều đó. Và G7 rõ ràng rằng sự tồn tại của các lệnh trừng phạt này phải duy trì cho tới khi thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ", ông Cameron nói tại một cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản.
Trước đó trong ngày hôm nay, các lãnh đạo G7 đã nhấn mạnh các lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ vẫn được giữ nguyên cho tới khi thỏa thuận hòa bình Minsk về Ukraine được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, việc duy trì đối thoại thường xuyên với Nga là rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình.
"Chúng tôi đang có chung niềm tin rằng cuộc xung đột Ukraine chỉ có thể giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao và trong sự tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự độc lập của Ukraine. Chúng tôi nhắc lại sự lên án đối với việc sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea do Nga tiến hành và tái khẳng định Chính sách không công nhận cùng với những lệnh trừng phạt chống lại những bên có liên quan", các lãnh đạo G7 nói.
Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các bên tôn trọng thỏa thuận hòa bình Minsk tại Ukraine.
"Chúng tôi nhớ lại rằng thời hạn xử phạt có liên quan rõ ràng tới việc Nga thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Các lệnh trừng phạt có thể được thu hồi khi Nga đáp ứng các cam kết. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng đưa ra thêm các biện pháp hạn chế để khiến Nga phải trả giá thêm", các lãnh đạo G7 nhấn mạnh.
Hôm 26/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Nga không và sẽ không thích các cuộc thảo luận dựa trên tiêu chí dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Mỹ, EU và một số đồng minh của họ đã áp đặt một số lệnh trừng phạt nhắm vào một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga cũng như một số cá nhân, tổ chức về việc sáp nhập Crimea và sự can thiệp của Nga vào cuộc xung đột giữa Kiev và dân quân ly khai ở miền đông Ukraine.
Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc trên, cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây là phản tác dụng. Để đối phó với các biện pháp cấm vận, Nga đã áp dặt lệnh cấm vận thực phẩm đối với một số sản phẩn có nguồn gốc từ phương Tây.
Vòng trừng phạt mới chống lại Nga của phương Tây sẽ mở rộng giữa các nước thành viên EU trước ngày 31/7.
Bảo Linh (Sputnik)