Mặc dù thiếu Nga, G7 sẽ gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề nóng của thế giới nhưng nhóm 7 nước quyết định vẫn duy trì quan điểm trừng phạt Nga đến khi ông Putin và phe ly khai tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hòa bình đối với Ukraine.
Lãnh đạo các nước thuộc G7 |
Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/6 tại bang Bavaria, Đức, các nhà lãnh đạo của nhóm 7 nước G7 quyết định duy trì các biện pháp trừng phạt Nga đến khi Moscow thực hiện thỏa thuận kết thúc giao tranh ở Ukraine.
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Angela Merkel đã hội đàm trước khi thượng đỉnh G7 diễn ra. Bà Merkel cho biết các lệnh trừng phạt này nặng hay nhẹ phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của Nga tại Ukraine. Nhà Trắng thì tuyên bố: “Thời hạn trừng phạt phải được gắn kết rõ ràng với việc Nga thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine”.
Thủ tướng anh David Cameron cũng kêu gọi lãnh đạo EU thống nhất duy trì trừng phạt Nga bất chấp thiệt hại. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng ủng hộ việc áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga: "Nếu bất cứ ai muốn bắt đầu một cuộc tranh luận về việc thay đổi cơ chế trừng phạt, các cuộc thảo luận chỉ có thể là về việc tăng cường nó”, BBC dẫn lời ông Tusk.
Nga đã bị loại khỏi nhóm G8 kể từ sau khi sáp nhập Crimea hồi năm ngoái. Phương Tây cáo buộc Nga đưa lực lượng quân sự vào miền đông Ukraine để giúp quân nổi dậy chống lại chính phủ. Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.
Những điểm nóng tại hội nghị G7 năm nay sẽ là cuộc khủng hoảng Ukraine, bất ổn tại Trung Đông, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, tình hình Biển Đông, Hy Lạp có nguy cơ võ nợ… nhưng Ukraine vẫn thu hút được sự quan tâm lớn nhất.
Bảo Linh (Theo BBC/Reuters)