Nguy cơ giá xe ô tô sẽ tăng cao nếu dự thảo nghị định hướng dẫn thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài Chính được phê duyệt đang khiến người tiêu dùng mơ giấc mơ ô tô giá rẻ … rầu lòng.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Theo dự thảo, đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn như hiện hành là giá bán của cơ sở sản xuất, bao gồm giá thành sản xuất (hay giá vốn) cộng với chi phí bán hàng trong nước (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành...), cộng lãi của người nộp thuế. Đối với các dòng xe ô tô nhập khẩu, giá căn cứ để tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không chỉ dựa trên giá CIF (giá xe nhập về đến cảng) mà còn tính trên giá bán lẻ tới người tiêu dùng, nhằm thu thêm thuế ở khâu tiêu thụ nội địa.
Trên Báo Thanh Niên, đại diện nhiều DN nhập khẩu và DN sản xuất, lắp ráp ô tô có trụ sở tại TP.HCM, cho rằng cách tính thuế mới chắc chắn sẽ đẩy giá ô tô tăng, có thể gây tác động không tốt cho thị trường trong nước, mức tăng giá ô tô có thể 20 - 30%. “Khi thuế tăng buộc các DN như chúng tôi phải tăng giá bán xe, việc này là hẳn nhiên và không khó. Tuy nhiên, người chịu thiệt cuối cùng không ai khác chính là người tiêu dùng”, đại diện một DN phân phối xe nhập khẩu tại thị trường TP.HCM nói.
Giá ô tô có nguy cơ sẽ tăng cao |
Trao đổi với Thanh Niên, kỹ sư - chuyên gia công nghệ ô tô Nguyễn Minh Đồng, thẳng thắn: “Tăng mức thuế, phí, thực ra không giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước mà chỉ là lấy tiền từ túi người này bỏ vào túi người kia”. Theo ông Đồng, muốn có nhiều nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới vào VN đầu tư công nghệ, mở nhà máy sản xuất ô tô, phụ tùng... thì trước hết VN phải có thị trường công nghiệp ô tô đúng nghĩa. Muốn có một thị trường ô tô thì mỗi năm người dân VN tiêu thụ tối thiểu 200.000 xe. Còn nếu dưới mức này thì các nhà đầu tư sẽ rất e ngại bỏ tiền đầu tư sản xuất linh kiện ô tô đạt chuẩn để buôn bán và xuất khẩu.
“Khổ nhất hiện nay là người dân vì phải trả giá mua một chiếc ô tô cực kỳ cao. Ở các nước họ nhìn xe hơi là một sản phẩm tiêu thụ và tạo công ăn việc làm còn ở VN nhà chức trách dường như chủ yếu tập trung đánh thuế để thu được nhiều thuế, kìm hãm sản xuất nên không thể phát triển được”, ông Đồng nói. Theo ông, nếu chọn lựa vẫn tiếp tục sản xuất với tiêu chuẩn thấp thì mặt hàng ô tô và linh kiện không thể nào xuất khẩu cho thị trường có tiêu chuẩn cao. Ngay cả một bộ phận linh kiện nhỏ như bố thắng, hiện VN cũng không sản xuất được sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu. Chính phủ nên có nhiều Chính sách khuyến khích như miễn thuế cho những DN sản xuất được những linh kiện ô tô đạt tiêu chuẩn thế giới để xuất khẩu thu ngoại tệ, có thế mới làm giàu cho đất nước.
Theo các chuyên gia ô tô, nền kinh tế VN hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết nên việc sử dụng công cụ bảo hộ bằng thuế, phí là không phù hợp xu thế. Khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN xuống mức 0% thì ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ không cạnh tranh được với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia.
“Một cổ 10 tròng”
Thông tin trên Tuổi trẻ Thủ đô cho hay, hiện nay, một chiếc ôtô tại Việt Nam đầu tiên phải chịu thuế nhập khẩu cho linh kiện (10-30%) hoặc xe nguyên chiếc (từ 50 đến 70%) tùy loại, và tùy theo nguồn gốc nhập khẩu. Tiếp đó là thuế tiêu thụ đặc biệt 40-60%, tùy theo dung tích xe. Thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%.
Ôtô ra đường còn phải chịu lệ phí trước bạ với mức 10% hoặc 15%, tùy theo thành phố. Phí kiểm định, phí cấp biển số, phí đảm bảo an toàn kỹ thuật... Phí bảo trì đường bộ đóng hai lần, thu qua đầu phương tiện và thu qua trạm BOT. Chưa hết, còn một loạt phí khác như phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn.
Với việc Bộ Tài chính tính thu thêm loại phí mới là phí thử nghiệm khí thải nói trên, một chiếc ôtô muốn lăn bánh được tại Việt Nam phải chịu 3 khoản thuế chính và hàng chục khoản phí các loại.
Dưới đây là danh sách những loại thuế áp dụng trên một chiếc ôtô:
1- Thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp trong nước (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe): 10 – 30%; hoặc thuế nhập khẩu nguyên chiếc (đơn vị nhập khẩu đóng, tính vào giá xe): 50 – 70% tùy loại.
2- Thuế tiêu thụ đặc biệt: 40-60%, tùy theo dung tích xe.
3- Thuế Giá trị gia tăng (VAT): 10%.
4- Thuế thu nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe): 22%.
Các loại phí phải đóng khi xe lăn bánh trên đường:
5- Phí trước bạ: 10 – 15%, tùy thành phố.
6- Phí cấp biển số: 2 – 20 triệu đồng (HN và Tp.HCM).
7- Phí đăng kiểm: 240.000 đồng – 560.000 đồng (một lần kiển định).
8- Phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật: 50.000 đồng – 10.000 đồng (một lần cấp).
9- Phí sử dụng đường bộ: Có 2 loại phí sử dụng đường bộ, là phí thu qua trạm thu phí BOT để hoàn vốn xây dựng các công trình giao thông khi ôtô lưu hành qua, và phí bảo trì đường bộ với mức 130.000 đồng đến 1.430.000 đồng một tháng tùy theo tải trọng xe.
10- Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
11- Phí bảo hiểm vật chất (không bắt buộc).
12- Phí xăng dầu.
13- Phí thử nghiệm khí thải.
14- Phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu.
15- Phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.
Nam Nam (Tổng hợp)