Năm 2018 thị trường Việt Nam sẽ tràn ngập các loại xe nhập khẩu từ Asean với mức thuế 0%, nhưng ngay từ lúc này đã có nhiều dấu hiệu cho thấy các hãng xe Asean đang đổ bộ âm thầm vào Việt Nam trong khi chiến lược ô tô của nước ta mới bắt đầu rục rịch tiến hành.
Ô tô giá rẻ sắp tràn vào Việt Nam
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0%. Hầu hết những loại xe phổ thông được đánh giá nắm lợi thế rất lớn về giá bán do việc giảm thuế đem lại.
Tại thị trường ôtô Việt Nam hiện nay, xe mang các thương hiệu Toyota, Ford hay Honda... đang chiếm thị phần áp đảo. Hầu hết các hãng xe này đều đang có nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan, Indonesia. Các nhà máy này đều có quy mô lớn hơn và thậm chí gấp nhiều lần so với các nhà máy tập đoàn đó đặt ở Việt Nam.
Mặc dù còn cách thời điểm năm 2018 thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0% 4 năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sau 20 năm xây dựng và phát triển, 10 năm thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 3 công đọan chính là hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp.
Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa đạt thấp, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 đối với loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con); đến nay chủ yếu mới đạt bình quân khoảng 7 - 10% đối với xe con (Thaco đạt 15 - 18%, Vinaxuki đạt khoảng 40%) và đến 35 - 40% đối với xe tải nhẹ (Thaco đạt khoảng 33%, Vinaxuki đạt khoảng 50%).
Hiện, Việt Nam mới đang rục rịch với chiến lược phát triển ô tô song cũng đặt ra nhiều tham vọng, đặt mục tiêu đến 2035, số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa, bên cạnh đó, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc...
Cùng lúc, hàng loạt xe giá rẻ thuộc nhiều phân khúc của Toyota, Honda, Suzuki, Mazda hay Daihatsu... mới trình làng tại Indonesia, Philippines 2 thị trường quan trọng của khu vực Đông Nam Á cũng được dự báo sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam.
Theo đó, giá bán của những dòng xe này chỉ giữ mức rất thấp. Cụ thể như GT2, phiên bản thể thao của mẫu xe giá rẻ Daihatsu Ayla được dự báo có giá bán có thể tương đương với Daihatsu Ayla phiên bản tiêu chuẩn bán tại Indonesia chỉ có giá khoảng 6.600 USD tức 120 triệu đồng; Honda HR-V, mẫu SUV cỡ nhỏ của Honda được định giá hơn 20.000 USD, tương đương với hơn 400 triệu đồng tại Indonesia; Peroda Axia, mẫu xe Malaysia vừa được tung ra thị trường với mức giá hấp dẫn 7.700 USD, tương đương với hơn 150 triệu đồng.
Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ xe?
Câu chuyện hàng rào thuế quan và tỷ lệ nội địa hóa khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc việc đặt nhà máy tại các quốc gia có lợi nhất cho họ và thời điểm vừa qua, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến không thu hút chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư lĩnh vực sản xuất ô tô đã tính đến việc rời bỏ Việt Nam sang các quốc gia khác, tiêu biểu như Thái Lan.
Ông Sukurada Yoichi, nghiên cứu viên cấp cao của Viện nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) mới đây cho biết, một số doanh nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan khi mức thuế suất các mặt hàng trong khối ASEAN giảm xuống bằng 0.
Ông Sukurada Yoichi chỉ ra rằng, để hợp tác hai bên có hiệu quả, phía các doanh nghiệp Việt Nam cần chỉ rõ đâu là điểm mạnh của mình trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. "Hiện doanh nghiệp Nhật Bản không nắm rõ được năng lực sản xuất của phía Việt Nam, phải tự đi tìm nên rất khó", ông Sukurada Yoichi nói.
Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), hiện nay tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản đang phải mua tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt 28%, trong khi đó tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, ở Thái Lan là 53% và ở Trung Quốc là 61%.
Bằng chứng, khoảng hai năm trở lại đây, bản thân các tập đoàn ôtô lớn cũng đã thể hiện rõ xu hướng tập trung sản xuất tại Thái Lan và Indonesia, từ đó xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi nói chung.
Điển hình là Toyota và Ford mới đây đã quyết định xây dựng thêm các nhà máy tại Thái Lan và Indonesia với số vốn đầu tư tại mỗi nhà máy từ 200 đến 400 triệu USD, bằng tổng số vốn mà các hãng đó đầu tư trong suốt gần 20 năm tại Việt Nam.
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện mới chỉ 210 doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ô tô và chủ yếu sản xuất các loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp, như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa...
Trước những thực tế trên, trong cuộc trả lời PV Báo Đất Việt, ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng Bộ Công thương từng cho biết, với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 7-9% đối với dòng xe cá nhân, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ xe của các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật....
Mặc dù vậy, “Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2035” vẫn được nêu ra mặc dù bài toán nhập khẩu và tự sản xuất việc nhập khẩu có lợi thế nhiều hơn nhưng vẫn phải duy trì việc sản xuất trong nước, Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Quân thông tin.
Thực tế cũng cho thấy rất rõ xu hướng này. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tổng lượng ôtô CBU nhập khẩu từ ASEAN 5 tháng đầu năm 2014 đạt 4.282 chiếc với giá trị kim ngạch 65,37 triệu USD, tăng 1.104 chiếc về lượng và tăng 11,92 triệu USD về giá trị so với cùng kỳ 2013.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia láng giềng Thái Lan đạt 3.575 chiếc và 58,49 triệu USD, tăng 899 chiếc về lượng và tăng 9,45 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu từ Indonesia đạt 707 chiếc và 6,86 triệu USD, tăng 205 chiếc về lượng và tăng 2,46 triệu USD về giá trị.