Giá xăng tăng thêm 275 đồng/lít từ 15h chiều nay 19/6. Đây là lần tăng thứ 4 của giá xăng tính từ đầu năm đến nay.
Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định cho phép tăng giá xăng 275 đồng/lít và đồng loạt giảm Giá dầu các loại.
Cụ thể, kể từ 15h chiều nay (19/6), giá xăng Ron 92, E5 sẽ tăng 275 đồng/lít. Đồng thời, giá dầu diesel 0.05S giảm 287 đồng/lít, dầu hỏa giảm 275 đồng/lít và giá dầu mazut 180CST 3.5S giảm 423 đồng/kg.
|
Giá xăng tăng lần thứ 4 kể từ đầu năm 2015. Ảnh minh họa |
Sau quyết định của liên bộ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố tăng giá xăng Ron 92 lên 20.710 đồng/lít và giá xăng E5 tăng lên 20.380 đồng/lít.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, giá xăng không được cao hơn 20.711 đồng/lít, dầu diezen có giá bán lẻ tối đa 16.077 đồng/lít và dầu hoả ở mức tối đa là 15.099 đồng/lít. Dầu madut ở mức 12.730 đồng/kg.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp được phép sử dụng Quỹ bình ổn đối với xăng là 1.047 đồng/lít.
Tính đến 18/6 giá xăng thành phẩm bình quân 15 ngày tại Singapore đã tăng lên là 82,426 USD/thùng, dầu diezen giảm còn 74,97 USD/thùng, dầu hoả còn 74,65 USD/thùng và dầu madut ở mức 364 USD/tấn.
Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 4 giá xăng tăng.
Trong một thông báo mới phát đi của Petrolimex, tập đoàn này cho biết, trước thời điểm giảm giá, quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại tập đoàn này là 1.390 tỷ đồng.
Trước đó, vào tối qua (20/5), Liên bộ Công Thương - Tài chính bất ngờ quyết định tăng giá xăng thêm 1.200 đồng/lít kể từ 20h cùng ngày khiến người tiêu dùng xôn xao.
Việc xăng tăng giá liên tục đã làm dấy lên những bức xúc đến từ các chuyên gia lẫn doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
Chia sẻ trên Người lao động, một chuyên gia xăng dầu cho hay, để không tạo gánh nặng cho người tiêu dùng, nhà nước cần cân nhắc hai yếu tố “tăng giá” hay “giảm thuế”. Trong đó tăng giá phải được coi là giải pháp cuối cùng, chứ sao tại tăng giá trước trong khi thuế suất nhập khẩu thì giữ nguyên?!
Theo tính toán của các doanh nghiệp (DN) xăng dầu, cả nước hiện nay tiêu thụ bình quân mỗi tháng khoảng 45 triệu lít xăng dầu các loại. Trong đó, riêng các mặt hàng xăng chiếm tới 40%. Như vậy, khi xả quỹ BOG xăng dầu thì mặt hàng này sẽ ngốn quỹ nhiều nhất. Nếu giảm thuế để giảm áp lực lên giá xăng thì cũng chính mặt hàng này sẽ khiến nhà nước hụt thu nhiều nhất.
Trên một phương diện khác, theo giới chuyên gia và doanh nhân, việc tăng giá xăng, dầu cùng áp lực tăng giá điện trước đó sẽ tạo ra những vòng xoáy tăng giá tiêu dùng mới.
ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Cty CP Thức ăn Chăn nuôi Thái Dương, cho biết, đợt tăng giá xăng vừa rồi, doanh nghiệp (DN) chưa kịp “hoàn hồn” thì lại đến lượt tăng giá tiếp, tạo sức ép rất lớn đến chi phí vận tải.
“Vừa rồi, bị siết về vấn đề quá tải, DN phải nghiến răng chịu giá vận tải gần như tăng gấp đôi. Trước đây, chi phí vận chuyển hàng từ Hải Phòng về Hưng Yên chỉ mất khoảng 100 nghìn đồng/tấn, nay lên 200 nghìn đồng/tấn. Chi phí chuyển hàng đi các tỉnh cũng tăng từ 200-300 nghìn đồng/tấn lên 500-600 nghìn đồng/tấn, tùy từng tỉnh”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, DN như đang chịu trận vì những đợt tăng giá. Cùng sức ép về giá điện, xăng tăng, giá thuê đất của các nhà máy ở các tỉnh cũng tăng 10-20 lần. Trước kia giá thuê 1.750 đồng/m2, nay tăng lên 27 nghìn đồng/m2, tăng gần 16 lần. Ông Thành cho biết, giá xăng, điện… tăng, nhiều chi phí DN đội thêm trên 10% so năm ngoái. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trong ngành thức ăn chăn nuôi rất lớn, nhất là với các DN đầu tư nước ngoài có nhiều lợi thế.
Nam Nam (Tổng hợp)