Từ 1/5, các mặt hàng xăng dầu có khả năng sẽ tăng mạnh khi quy định mới về tăng thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với các mặt hàng xăng, dầu sẽ có hiệu lực (tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít).
Sáng 10-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) và một số mặt hàng xăng dầu khác... Riêng dầu hỏa giữ nguyên như hiện nay. Nghị quyết có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-5-2015.
Trình bày tại phiên họp của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, do Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình. Giá xăng dầu thế giới giảm từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng tới số thu cho ngân sách nhà nước giảm. Hơn nữa, giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia (khoảng 5.000-6.000 đồng) và Trung Quốc, do đó xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Để bù một phần giảm thu ngân sách, Chính phủ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường gấp ba lần hiện nay. Khi tăng thuế bảo vệ môi trường thì thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% xuống còn 20%.
“Như vậy tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng giảm thuế xuất nhập khẩu theo đúng cam kết Asean, tính ra thì số tăng còn thấp hơn số giảm nên không ảnh hưởng đến giá bán lẻ” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Giá xăng dầu sẽ tăng mạnh từ 1/5?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh “Thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để bảo vệ môi trường nên không được dùng để bù, chi vào các khoản khác. Môi trường đang như thế này, phải tập trung bảo vệ môi trường, cả ở trung ương, địa phương, chứ cũng không thể thu hết về trung ương đề bù cho giảm thuế nhập khẩu”.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng tình với đề nghị của Chính phủ. Mức thuế mới sẽ được áp dụng từ 1/5/2015.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng rất khó để giữ giá xăng dầu từ ngày 1-5, do thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên 300% so với hiện nay.
Để thị trường tránh cú sốc do tăng giá xăng dầu, theo ông Long, Bộ Tài chính phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.
“Với mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng quá lớn, việc dùng quỹ bình ổn để giữ ổn định giá xăng dầu là không thuyết phục, có chăng đây chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi” - ông Long nói.
Theo ông Long, số dư quỹ bình ổn xăng dầu không lớn và không ổn định, nhất là có một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối còn bị âm quỹ. Mặt khác, mức trích quỹ bình ổn đối với xăng là 300 đồng/lít trong khi mức sử dụng quỹ lên tới 1.020 đồng/lít.
Trong tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ không ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước, doanh nghiệp và người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến năm 2015 đạt khoảng 35.580 tỉ đồng, tăng khoảng 23.720 tỉ đồng so với năm 2014.
Bảo An (tổng hợp)