Việc đưa Huawei vào danh sách đen xuất khẩu nghĩa là công ty này không còn được cung cấp phần mềm hoặc linh kiện từ các công ty Mỹ nếu không có giấy phép. Các thiết bị hiện tại không bị ảnh hưởng, nhưng những hạn chế sẽ đe dọa các sản phẩm của Huawei cũng như vị trí dẫn đầu trong việc xây dựng mạng 5G siêu nhanh trong tương lai.
Vodafone (VOD), nhà khai thác di động lớn thứ hai thế giới ngày 22/5 cho biết họ đã tạm dừng các đơn đặt mua smartphone Huawei Mate 20X (5G) tại Anh. "Đây là biện pháp tạm thời trong khi có những tồn tại không chắc chắn liên quan tới các thiết bị 5G mới của Huawei", một phát ngôn viên của công ty nói với CNN.
Nhà mạng lớn nhất Vương quốc Anh, EE cũng dang hoãn việc giới thiệu các smartphone mới của Huawei. Công ty đã quảng cáo về Mate 20X trong bản preview về mạng 5G của mình hồi tuần trước.
Các nhà khai thác di động hàng đầu Nhật Bản cũng có bước đi tương tự đối với P30 Lite của Huawei vào ngày 22/5. Theo kế hoạch, chiếc điện thoại này sẽ được ra mắt vào cuối tháng này tại Nhật.
Công ty viễn thông hàng đầu Nhật Bản NTT Docomo (DCMYY) tuyên bố họ đã ngừng đặt trước điện thoại và "đang xem xét tác động của những hạn chế mà Mỹ đưa ra", phát ngôn viên Yoshikumi Kuroda nói.
Các nhà mạng đối thủ KDDI (KDDIF) và SoftBank Corp (SFBTF) cho biết họ sẽ hoãn việc phát hành điện thoại Huawei mới.
Việc ngưng các đơn đặt hàng là bằng chứng hữu hình đầu tiên cho thấy sự leo thang mới nhất của chính quyền Trumg trong chiến dịch chống Huawei với lý do an ninh quốc gia. Điều này đang gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Năm ngoái, Huawei đã vượt mặt Apple, trở thành hãng smartphone số 2 thế giới, sau Samsung. Họ phụ thuộc vào thị trường bên ngoài Trung Quốc, chiếm tới một nửa Doanh thu.
Lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ đã buộc Google cắt các thiết bị mới của Huawei khỏi hệ sinh thái Android. Khoản bồi thường tạm thời của Bộ thương mại Mỹ cho phép Google phục vụ cho các thiết bị Huawei hiện có thêm 90 ngày nữa.
"Chúng tôi đang xem xét mức độ ảnh hưởng lớn như thế nào và quyết định hoãn việc bán hàng", phát ngôn viên KDDI Reiko Nakamura nói.
Phát ngôn viên của SoftBank, Yusuke Abe cũng cho biết họ đang đánh giá "liệu chúng tôi có thể bán các sản phẩm cho khách hàng mà không cần lo lắng không. Với tình hình này... chúng tôi quyết định hoãn bán hàng".
Người phát ngôn của EE thì cho biết công ty đã hợp tác cùng Huawei và Google và họ sẽ cung cấp các bản cập nhật trên smartphone trong tương lai.
"Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác, nhưng nhận ra áp lực mà một số đang phải chịu. Đó là kết quả của những quyết định mang động cơ chính trị", một phát ngôn viên của Huawei nói với CNN. "Chúng tôi tự tin là tình trạng đáng tiếc này có thể được giải quyết và ưu tiên của chúng tôi vẫn là tiếp tục cung cấp công nghệ và sản phẩm đẳng cấp quốc tế cho các khách hàng trên toàn thế giới".
Giống như 85% smartphone trên toàn thế giới, các thiết bị của Huawei chạy trên hệ điều hành Android và truy cập các ứng dụng và dịch vụ phổ biến như Gmail, Youtube và Google Maps.
Việc mất đi hệ sinh thái Google khiến các thiết bị Huawei kém hấp dẫn hơn đối với người dùng quốc tế. Họ sẽ mất hệ điều hành Android và quyền truy cập app store Google Play. Ngoài ra, nhiều ứng dụng của bên thứ ba cũng biến mất khi không còn dịch vụ Google.
Ngày 17/5, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh hạn chế Huawei bán thiết bị tại Mỹ. Đến ngày 20/5, Huawei lãnh "đòn trời giáng" từ Google khi các thiết bị mới của họ không thể truy cập vào những ứng dụng phổ biến như Youtube, Google Maps. Sau thời hạn 90 ngày, các smartphone của Huawei sẽ không thể cập nhật khi Google phát hành phiên bản Android mới.
Chính quyền Mỹ đã có những động thái mạnh tay chống lại Huawei do quan ngại thiết bị của công ty này có thể bị chính phủ Trung Quốc dùng để do thám. Mặc dù công ty đã một mực phủ nhật những cáo buộc này nhưng Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đã phản ứng rất dữ dội.