Đan Đông – huyết mạch thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Cuộc sống tại thị trấn này dưới con mắt của các phóng viên CNN vừa kỳ lạ, vừa bi thảm.
Mặt trời nhô dần trên sông Áp Lục và Triều Tiên. Nhạc cách mạng từ các loa phóng thanh vươn sang tận Trung Quốc. Bên kia sông, từng nhóm nông dân đang háo hức cho một ngày lao động cực nhọc trên những cánh đồng. Ở bên này Trung Quốc, một người chào hàng đang cố để bán cho chúng tôi tiền Triều Tiên. “Giá này hợp lý rồi!”, anh ta nói lớn.
Đây là cuộc sống hàng ngày ở Đan Đông, Trung Quốc – một thị trấn biên giới phát triển vượt xa so với Vương quốc Ẩn sĩ Triều Tiên. Khách du lịch khi tới đây thường đến hàng rào ngăn cách 2 nước và để lại thuốc lá, đồng hồ cũ cũng như các đồ vật khác cho lính biên phòng Triều Tiên.
Giờ đây, khách du lịch Trung Quốc đổ xô đến Đan Đông – nằm dọc biên giới phía tây của Trung Quốc với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên – để nhìn sang những người láng giềng bất hạnh của họ. Một số trả vài nhân dân tệ để thuê ống nhòm nhìn qua sông. Những người mạo hiểm hơn thì thuê tàu cao tốc và tham gia vào những chuyến du lịch trên sông – hoạt động được xem như rào cản tự nhiên giữa 2 nước. “Tiến vào Triều Tiên!”, đó là tín hiệu mà một công ty tàu địa phương tuyên bố.
Có lẽ, Trung Quốc cũng ngạc nhiên tự hỏi làm thế nào mà họ lại tiến xa đến vậy. Trong nhiều thập kỷ tăng trưởng chóng mặt, Trung Quốc đã trở thành một minh chứng cho chủ nghĩa tư bản và cuộc sống đô thị. Trong khi đó, nước láng giềng Triều Tiên hầu như vẫn còn là điều bí ẩn.
Cửa ngõ ra vào giữa Trung Quốc và Triều Tiên
Huyết mạch
Các nhà phê bình nói rằng Đan Đông là huyết mạch của chế độ Kim Jong-un. Toàn bộ những vùng lân cận phía sau thành phố đều được vạch ngăn bởi những cửa hàng thương mại do các quan chức Triều Tiên điều hành lặng lẽ.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên trong một thời gian dài và mặc dù Bắc Kinh không hài lòng với việc theo đuổi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, giao thương giữa 2 nước vẫn tiếp tục phát triển. Trung Quốc đã từ chối bất kỳ nỗ lực nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Bình Nhưỡng.
70% hoạt động kinh doanh với Triều Tiên của Trung Quốc đều phải qua Đan Đông, hãng Yonhap của Hàn Quốc đưa tin. Và ở đây, có cả thương mại hợp pháp lẫn buôn lậu bất hợp pháp.
Chúng tôi gặp “Chen”, một kẻ buôn lậu cứ nửa đêm lại bơi qua sông Áp Lục vài lần mỗi tháng để bán hàng cho lính Triều Tiên. “Ở Trung Quốc, chúng tôi không thiếu thực phẩm, không thiếu gì cả. Mọi người có cơm ăn, áo mặc, nhưng ở đó thì không có gì. Thậm chí cả binh lính Triều Tiên cũng không có gì cả”, Chen nói.
Mặc dù công tác tuyên truyền của Triều Tiên luôn vẽ ra bức tranh cho thấy quân đội của họ là một đội quân tinh nhuệ nhưng theo Chen, binh lính của họ đang tuyệt vọng vì những thực phẩm căn bản như bánh mì và lúa gạo. Họ không có tiền vì vậy phải lấy hàng đổi hàng, mang phế liệu, chậu cũ và thậm chí là nhân sâm ra để trao đổi hàng hóa.
Những gián điệp Triều Tiên
Chúng tôi không thể dùng tên thật của Chen. Anh tuyên bố rằng Đan Đông là hang ổ của gián điệp Triều Tiên. “Đứng nói bất cứ điều gì nhạy cảm với những nữ phục vụ Triều Tiên. Họ nói được cả tiếng Hàn và tiếng Anh đấy”, Chen thì thầm với chúng tôi.
Và bạn có thể nhìn thấy họ ở khắp Đan Đông, trong các nhà hàng, các quán bar và tại những show ca nhạc Triều Tiên.
Chúng tôi đến một trong những nơi nổi tiếng nhất dọc sông Áp Lục. Nếu những người tị nạn bị mắc kẹt cố trốn khỏi Triều Tiên, họ sẽ bị bắn. Nhưng tại những nhà hàng giống như cái bẫy du lịch 2 mặt xa hoa này, những người Triều Tiên được phép lại việc ở Trung Quốc với giấy phép đặc biệt kéo dài 3 năm.
Họ thường là con cái của tầng lớp trung lưu, những người trung thành với Đảng Lao động Triều Tiên và hoạt động cũng như thu nhập của họ bị kiểm soát chặt chẽ.
Và khi nhìn vào một nhóm 4 cô gái Triều Tiên đang phục vụ bia cho các khách du lịch Trung Quốc, tôi nghĩ về thành phố này: vô cùng kỳ lạ và có lẽ hơi bi thảm.
Bảo Linh/Người đưa tin (tin tức CNN)