Chia sẻ trên Chinatimes, giáo sư Vu Canh Triết - người phụ trách giảng dạy môn Văn hóa Lịch sử tại Đại học Sư phạm Thiểm Tây, Trung Quốc cho biết, địa vị của phụ nữ thời Đường cao hơn so với các triều đại khác như Tần, Hán, Tống, Minh hay Thanh. Dù việc lựa chọn bạn đời vẫn tuân thủ quy tắc "phụ mẫu chi mệnh, môi chước chi ngôn" (hàm ý, phụ nữ thời xưa không được sự đồng ý của bố mẹ và lời qua lại của mai mối thì không được kết hôn) nhưng họ có thể bày tỏ chính kiến của mình khi lựa chọn bạn đời và thậm chí có quyền ly hôn.
Vào thời phong kiến xưa, con gái không được phép kết hôn nếu không có sự đồng ý của cha mẹ, nếu không sẽ bị coi là không hợp quy tắc, lễ nghi. Vì hôn nhân thời xưa dựa vào bà mối nên những cô gái xuất giá về chồng mới nhìn thấy mặt chồng khi động phòng.
Tuy nhiên, ở thời nhà Đường, các bậc làm cha làm mẹ có phần cởi mở hơn trong vấn đề này. Theo giáo sư Vu, họ có thể tìm cách để con gái gặp được đấng lang quân trước khi thành vợ thành chồng. Hơn nữa, ở thời Đường, nữ nhân trong nhà có thể bày tỏ ý kiến của mình trong vấn đề này.
Đơn cử như Lý Lâm Phủ - một gian thần thời Đường. Dù danh tiếng chẳng mấy vẻ vang nhưng Lý Lâm Phủ rất dân chủ trong việc kén gả cho con cái. Khi còn nhậm chức tể tướng, Lý Lâm Phủ sẽ lợi dụng chức vụ của mình để các quan viên đến nhà bàn chuyện chính sự. Sau đó, sắp xếp để cho sau cô con gái của mình đang trong độ tuổi lấy chồng nhìn trộm qua khe hở nhỏ để chọn chồng tương lai.
Giáo sư Vu Canh Triết cho biết, những người chồng ở thời nhà Đường không được phép ly dị vợ theo ý muốn. Trong "Đường luật sơ nghị hộ hôn" có ghi "Thất xuất giả y lệnh; nhất vô tử, nhị dâm dật, tam bất sự cô cữu, tứ khẩu thiệt, ngũ đạo thiết, lục đố kị, thất ác tật" (ý chỉ người khác hưu thê khi thê tử của mình phạm một trong những tội trên). Cụ thể, nếu người vợ không sinh được con nối dõi, tác phong không đúng đắn, không chăm sóc bố mẹ chồng, trộm cắp, ghen tuông đố kị, bệnh tật thì người chồng mới có thể yêu cầu viết hưu thư. Nếu người vợ vẫn hiếu thuận với bố mẹ chồng hoặc không phạm phải bảy tội danh trên thì chồng không được tùy ý viết hưu thư (tức giấy ly hôn ngày nay).
Ngoài ra, trong cuốn "Đường luật sơ nghị hộ hôn" cũng ghi chép việc "phu thê nghĩa hợp, nghĩa tuyệt tắc li" ý chỉ nếu vợ chồng cho rằng không còn tình cảm với nhau, phụ nữ cũng có thể đề xuất việc ly hôn. Ngoài ra, trong cuốn "phóng thê thư" có từ thời Đường, được các sử gia cho rằng đây là bản thỏa thuận ly hôn sớm nhất từ thời cổ đại trong đó có ghi "nhất biệt lưỡng khoan, canh sanh hoan hỉ" với hàm ý, sau khi hai vợ chồng ly hôn, họ hãy cởi bỏ nút thắt trong lòng, bắt đầu cuộc sống mới riêng biệt. Nếu bị đối phương quấy rối, người này có quyền kiện lên quan phủ. Mãi đến cuối nhà Đường đến Bắc Tống, địa vị của phụ nữ mới dần bị hạ thấp