Ngày 30/5, ông Trần Danh Lương - Chủ tịch UBND xã Bắc Thành (Yên Thành, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn xã này vừa xảy ra vụ Đuối nước tập thể khiến 5 em học sinh lớp 8 tử vong thương tâm.
Trước đó sáng 29/5, ông Ngô Thanh Đá, chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cũng cho biết vừa tìm thấy thi thể 3 học sinh bị đuối nước sau một đêm mất tích.
Trong vòng 1 tuần qua, tại tỉnh Quảng Bình liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước làm nhiều học sinh thiệt mạng. Vào ngày 23/5, tại xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, 3 nữ sinh bị đuối nước tử vong trên sông Gianh.
Hồi tháng 3 vừa qua, tại Hoà Bình cũng xảy ra vụ đuối nước tập thể khiến 8 học sinh tử vong. Sau vụ việc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em, có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, số vụ tai nạn đuối nước ở học sinh phổ thông cũng đã ở mức báo động. Các vụ tai nạn đuối nước xảy ra không chỉ là nỗi đau mất mát về người, đau thương đỗi với mỗi gia đình, bạn bè, nhà trường mà đó còn là nỗi đau thương của toàn xã hội vì mỗi em nhỏ là mầm non tương lai của đất nước.
Phân tích về nguyên nhân đuối nước ở trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH, cho biết: Theo số liệu thống kê, tỉ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao gấp 8-10 lần so với các nước đang phát triển.
Nguyên nhân là do tai nạn đường thủy; sơ ý bị rơi xuống nước; trẻ em đi tắm biển, sông, hồ... không có người lớn đi cùng hoặc rơi xuống hố công trình xây dựng… Đặc biệt, đại bộ phận những người chết đuối là do không biết bơi. Thậm chí nhiều người lớn, bơi giỏi vẫn có nguy cơ đuối nước nếu như lơ là, chủ quan.
Theo phân tích từ các chuyên gia, gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, trong đó có kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với các em nhỏ, cần chú trọng thực hiện các biện pháp sau:
1. Chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình cần phải nâng cao tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, tổ chức và trẻ em trong việc phòng chống đuối nước.
2. Khuyến cáo cáo em nhỏ không nên chơi đùa gần các khu vực ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.
3. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển. Điều này cũng khá nguy hiểm vì bạn sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng bạn sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập khiến bạn không biết xử lý như thế nào và sẽ bị uống nước nhiều, mất sức.
4. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia giao thông trên các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao, mang dụng cụ nổi, trẻ em đi học thêm khi đi trên các phương tiện thủy nên sử dụng cặp phao.
5. Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, vật dụng nổi… Cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào.
Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.