Phát hiện mới của các nhà khoa học từ hộp sọ tìm thấy ở Trung Quốc cách đây 40 năm trước có thể đưa ra giả thuyết khác về lịch sử loại người.
Theo Independent, nhóm nghiên cứu phối hợp giữa Đại học Texas A&M (Mỹ) và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc mới đây đã công bố nghiên cứu chi tiết, xác định niên đại của chiếc hộp sọ Đại Lý nổi tiếng từng được khai quật ở Trung Quốc 40 năm trước.
Hộp sọ Đại Lý được xác định niên đại 260.000 năm trước. Ảnh: Independent |
Cụ thể, nhóm nghiên cứu xác định được tuổi đời của hộp sọ Trung Quốc lên tới 260.000 năm, tức xưa hơn những gì phát hiện ở Châu Phi đến 60.000 năm.
Trước đó, đa số các nhà nhân chủng học đều cho rằng, con người có nguồn gốc từ châu Phi, cách đây khoảng 200.000 năm trước. Nhóm người đầu tiên rời châu Phi đến những nơi khác trên thế giới sau đó 80.000 năm.
Nhưng thay vì nhân loại chỉ có nguồn gốc từ châu Phi, nghiên cứu mới chỉ ra khả năng còn 1 tộc người khác hình thành ở khu vực Đông Á.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con người đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc thay vì Châu Phi. Homo erectus hoàn toàn có thể hiện diện ở hai hoặc nhiều hơn hai nơi trên trái đất. Theo nghiên cứu mới này, con người hiện đại rất có thể là sự pha trộn DNA giữa hai chủng người cổ tại Châu Á và Châu Phi, thay vì có nguồn gốc độc nhất.
Các nhà khoa học cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu bằng cách so sánh chi tiết hộp sọ Đại Lý với các hộp sọ, xương khác được khai quật ở Châu Phi để chứng minh đầy đủ về nguồn gốc thực sự của người hiện đại.
Lê Vy (tổng hợp)