Mới đây, tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), một cô gái đã gọi điện báo cảnh sát, sau khi gia đình xảy ra cãi vã. Khi cảnh sát đến hiện trường lấy lời khai cô gái này cho biết cảm thấy bố mẹ có phần thiên vị em trai hơn nên gia đình đã xảy ra tranh cãi.
Cô gái tiết lộ với cảnh sát, thực ra quan hệ giữa cô và em trai rất tốt, nhưng từ nhỏ đến lớn bố mẹ cô lại luôn ưu tiên em trai của mình. Mỗi lần hai chị em cãi nhau, mẹ sẽ luôn đổ hết trách nhiệm lên đầu cô. Đau nhói hơn, cô còn khẳng định 5 cái tát mà bố đánh mình, cô sẽ ghi nhớ suốt đời. Trong quá trình lấy lời khai, vị phụ huynh thậm chí còn cãi nhau với con gái trước mặt cảnh sát. Cuối cùng cô gái này bày tỏ mong muốn người bố xin lỗi mình và sự việc kết thúc.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù xã hội đã đôi phần tân tiến, thế nhưng quan điểm "trọng nam khinh nữ" vẫn âm ỉ trong tư tưởng của một số cá nhân. Trên thực tế, những vụ bạo lực trong mỗi gia đình có liên quan đến việc con trai - con gái đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều nơi trên khắp thế giới.
Gia đình là tế bào của xã hội, việc hình thành tư tưởng cổ hủ nêu trên không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ.
Tại Việt Nam, pháp định quy định rõ con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình (Điều 18 Luật bình đẳng giới năm 2006). Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới, tuỳ từng mức độ vi phạm khác nhau mà đối tượng vi phạm có thể bị phạt từ 200.000 đồng đến 40 triệu đồng.