Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Triều Tiên đường như đã kích hoạt lại lò phản ứng ở Yongbyon, cách Bình Nhưỡng khoảng 90 km về phía bắc. Đây là nơi từng được sử dụng để tái xử lý plutonium có thể được dùng trong vũ khí hạt nhân.
Nhà máy hạt nhân Yongbyon, Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Reuters dẫn lời phát ngôn viên của IAEA ngày 6/6 nói: "Có những dấu hiệu cho thấy nhà máy tái chế tại Yongbyon đã được kích hoạt".
Cùng ngày, tại phiên họp hàng quý của Ủy ban Hội đồng Thống đốc IAEA, người đứng đầu tổ chức, ông Yukiya Amano cho biết thông tin được IAEA thu thập đề cập tới "những hoạt động liên quan đến lò phản ứng 5 megawatt, mở rộng các cơ sở làm giàu và những hoạt động liên quan đến tái chế plutonium".
IAEA không được tới Triều Tiên và giám sát các hoạt động của nước này thông qua vệ tinh. Tổ chức này cho biết các vệ tinh đã phát hiện ra "sự chuyển động của các phương tiện, hơi nước và việc xả nước ấm hoặc là sự vận chuyển vật liệu" tại khu phức hợp lò phản ứng chính ở Yongbyon.
"Tuy nhiên, do chúng tôi không thanh tra được trên mặt đất, chúng tôi chỉ quan sát qua các ảnh vệ tinh. Chúng tôi không thể nói chắc chắn. Nhưng chúng tôi có các dấu hiệu về những hoạt động chắc chắn thông qua ảnh vệ tinh", ông Amano nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Vienna.
Ông không nói vệ tinh phát hiện ra các hoạt động này vào thời điểm nào.
Tuần trước, các chuyên gia đến từ Viện Mỹ - Hàn thuộc ĐH Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, Mỹ nói rằng 2 toa xe có sàn chở đầy những thùng có khả năng chứa hóa chất để tái chế đã dược phát hiện ở gần phòng thí nghiệm hóa phóng xạ của khu phức hợp Yongbyon. Các chuyên gia cũng đã trích dẫn những dữ liệu vệ tinh.
Những luồng khí được nhìn thấy bay ra từ nhà máy nhiệt của phòng thí nghiệm và bãi than gần nhà máy là khả năng lớn nhất, theo viện Mỹ - Hàn.
Cũng theo tuyên bố của viện này, việc không thấy hoạt động cũng như hơi nước thoát ra từ lò phản ứng chính tại Yongbyon cho thấy hoặc là nó bị đóng cả, hoặc là hoạt động ở mức độ thấp. Nó cũng chỉ ra rằng Triều Tiên có thể đã chiết được nhiên liệu đã dùng dành cho quá trình tái chế khi buộc phải ngưng lò phản ứng.
Hồi tháng 2, James Clapper, giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đã cảnh báo rằng Triều Tiên có thể bắt đầu tái chế plutonium từ nhiên liệu đã dùng của lò phản ứng chính Yongbyon "trong vòng vài tuần đến vài tháng". Ông cũng đã thông báo cho Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng Bình Nhưỡng đã mở rộng cơ sở làm giàu uranium của nước này tại địa điểm trên.
Lò phản ứng hạt nhân Yongbyon bị đóng cả vào năm 2007 nhưng năm 2013, Bình Nhưỡng bắt đầu cải tạo nó sau vụ thử hạ nhân lần 3. Vào tháng 9/2015, Triều Tiên nói Yongbyon đang họa động để cải thiện "số lượng và chất lượng" vũ khí hạt nhân của nước này, Reuters đưa tin.
EAEA cũng đã báo cáo về việc nối lại hoạt động của lò phản ứng chính của Yongbyon vào năm 2015.
Trong tháng 5, Viện Mỹ - Hàn thuộc ĐH Johns Hopkins đã đưa ra các ảnh vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng có hteer đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân mới. Các bức ảnh được chụp ngày 5/5 và cho thấy những gì được cho là trung tâm chỉ huy gần nhà máy nổ Punggye ở phía bắc nước này.
Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào ngày 6/1 và sau đó bắn một tên lửa tầm xa mang vệ tinh quan sát trái đất lên quỹ đạo vào ngày 7/2. Những động thái này đã gây ra một làn sóng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc đã mở rộng đáng kể các biện pháp trừng phạt hiện có với Triều Tiên vào tháng 3.
Cũng trong tháng 3, Triều Tiên đã leo thang tình hình căng thẳng trên bán đảo khi đưa ra tuyên bố sẽ dùng một "cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu" để chống lại Mỹ, Hàn nếu khiêu khích. Tuyên bố này được đưa ra trước cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn được tổ chức từ ngày 7/3-30/4.
Tuy nhiên, trong tháng 5, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại nói ông sẽ tìm cách bình thường hóa quan hệ với các nước "thù địch" và sẽ không dùng đến vũ khí hạt nhân trừ khi chủ quyền đất nước bị đe dọa.
Bảo Linh (RT)