Triều Tiên được coi là chiếc hộp Pandora lớn nhất và cơn ác mộng tồi tệ nhất của mỗi vị tổng thống đó là: những quả bom nguyên tử, những chất độc hóa học, vũ khí sinh học và những tên lửa bắn tới khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả lục địa Mỹ. Và Bình Nhưỡng đang quay trở lại con đường mà mình đã chọn bằng việc làm Đông Bắc Á rung chuyển qua vụ thử nguyên tử mới.
Chưa hết, trong khi Triều Tiên phô diễn sức mạnh nguyên tử của mình chắc chắn là một việc lớn thì thế giới đang bỏ lỡ một câu chuyện có thật: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó Triều Tiên sụp đổ thông qua một cuộc nổi dậy của quần chúng, thảm họa kinh tế hoặc chiến tranh?
Quay trở lại năm 2013, nghiên cứu tuyệt vời của Tập đoàn RAND đã đề cập tới vấn đề này và nó còn nguyên giá trị ở thời điểm hiện tại. Tác giả của báo cáo, Bruce Bennett đã đưa ra một câu chuyện rùng rợn về những gì có thể xảy ra, nó có thể mang lại điều gì, Mỹ và các đồng minh nên làm gì để chuẩn bị cho kịch bản này.
Dưới đây là 5 điểm nổi bật trong báo cáo chứng tỏ vấn đề thực sự khi nhắc đến Triều Tiên.
1. Triều Tiên có thể sụp đổ theo cách nào?
"Chính quyền Kim Jong-un sẽ sụp đổ trong hoàn cảnh nào? Sự sụp đổ có thể xảy ra theo 1 trong 2 hình thức sau: chế độ sụp đổ và chính phủ sụp đổ. Nếu chế độ sụp đổ, chế độ gia đình Kim Jong-un (đặc biệt là ông Kim) sẽ bị lật đổ. Một nhà lãnh đạo mới nào đó sẽ lên nắm quyền ở Triều Tiên, có khả năng là người trong quân đội. Trong trường hợp này, bộ máy kiểm soát đất nước và tổ chức có thể vẫn duy trì phần lớn như cũ mặc dù việc lật đổ chắc chắn sẽ phá vỡ các cơ chế trong một thời gian. Người cai trị mới dễ có khả năng thanh trừng nhiều lãnh đạo chính phủ cao cấp và thay thế bằng những người trung thành của mình".
Kịch bản tiếp theo còn kinh hoàng hơn.
"Một loại sụp đổ nữa đó là sự sụp đổ của chính phủ. Trong trường hợp này, chế độ gia đình trị của ông Kim Jong-un sẽ suy tàn hoặc bị lật đột và không có cá nhân hay tổ chức nào có thể hình thành nên một chính phủ trung ương mới tại Triều Tiên. Nhiều khả năng, các phe phái sẽ phát triển, mỗi phe sẽ cố để kiểm soát một phần đất nước với khả năng kiểm soát yếu, kể cả ở khu vực của họ. Nhiều chức năng của chính phủ trung ương cũng sẽ sụp đổ, trong đó phần nhiều nằm trong hệ thống điều khiển".
"Cần lưu ý rằng chế độ sụp đổ có thể là một bước đi trên con đường dẫn tới chính phủ sụp đổ. Thật vậy, sự sụp đổ là cả một quá trình lẫn kết quả. Triều Tiên không chưa từng chịu ảnh hưởng bởi sự sụp đổ chế độ hay chính phủ nhưng quá trình này dường như đang xuất hiện.
Quân đội Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons |
2. Có thể xảy ra một cuộc chiến
"Một cuộc nội chiến tại Triều Tiên và đặc biệt là việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể tràn sang Hàn Quốc và gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Lực lượng của các phe phái có thể gây ra thiệt hại đáng kể bằng việc sử dụng đội đặc nhiệm và pháo binh để tấn công sang Hàn Quốc, đặc biệt nếu như vũ khí hạt nhân hoặc sinh học được sử dụng. Ngoài ra, có một hoặc nhiều phe phái ở Triều Tiên có thể cố tình tấn công vào Hàn Quốc, như một hình thức trả thù nếu họ cảm thấy mình không còn khả năng sống sót. Do đó, các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào các thành phố của Hàn Quốc - đặc biệt là những người sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc thậm chí là hóa học hay sinh học - có thể gây ra thiệt hại ở khắp Hàn Quốc. Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, kinh tế và xã hội của Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng đáng kể. Tất cả những hậu quả này có thể khiến Hàn Quốc khó mà ứng phó và xoay sở để có được sự thống nhất.
Nhìn xa hơn, kết quả tồi tệ nhất có thể gây mất ổn định trên cả bán đảo Triều Tiên, trong đó có Hàn Quốc: tội phạm và bạo loạn lan rộng nếu như Hàn Quốc không thể kiềm chế và đánh bại được vấn đề này".
3. Tệ hơn là Trung Quốc sẽ can thiệp
"Ngoài ra, Trung Quốc có thể can thiệp, một số người còn cho rằng Trung Quốc sẽ có khả năng can thiệp. Nếu vậy, Trung Quốc có thể cố ngăn sự thống nhất... Khi mà quân đội cả 3 nước Hàn, Mỹ, Trung cùng tham chiến, cuộc xung đột có thể phát triển lên, thành xung đột giữa Hàn Quốc - Mỹ với Trung Quốc. Nỗ lực ngăn thống nhất của Trung Quốc và xung đột với Trung Quốc có thể hủy hoại sự thống nhất ở bán đảo Triều Tiên nhiều hơn nữa".
4. Nạn đói có thể bùng nổ
"Bởi Triều Tiên vốn đã gặp khó khăn trong việc nuôi sống người dân, sự sụp đổ của chính phủ có thể đẩy Bắc Hàn vào nạn đói. Những người có tiền sẽ có động cơ để tích trữ thực phẩm để đảm bảo có đồ ăn và bởi giá thực phẩm có thể tăng vọt trong môi trường hậu sụp đổ. Khi thực phẩm biến mất, quân đội và những người có vũ khí có thể tăng cường tấn công nhằm vào những người có thực phẩm, lấy đi những gì còn sót lại. Các tổ chức cứu trợ nhân đạo đang giúp đỡ Triều Tiên có thể sẽ giảm hỗ trợ khi mà an ninh nước này suy giảm và có thể cắt giảm viện trợ nếu an ninh xuống cấp tới mức nhân viên của họ bị đe dọa nghiêm trọng. Những nguồn cung cấp lương thực không đủ hiện nay có thể sẽ bị giảm tới mức gây ra nạn đói cho nhiều người Triều Tiên".
5. Cái giá để tái thiết và thống nhất với Hàn Quốc sẽ là "khổng lồ"
"Chi phí thống nhất như vậy thường rất cao - chỉ riêng vấn đề tài chính đã lên đến vài nghìn tỷ đô la, chi nhiều nhất trong năm đầu tiên, sau khi sụp đổ và thống nhất nhưng họ sẽ còn phải trả giá trong nhiều thập kỷ nữa".
Tác giả báo cáo đã nêu chi tiết như sau:
"Cụ thể các chi phí như sau, ngân sách mỗi năm của chính phủ Hàn Quốc là khoảng 250 tỷ USD. Nếu sự thống nhất ngốn khoảng 2 nghìn tỷ USD (trong đó: 500 tỷ USD cho các hoạt động quân sự, 500 tỷ cho những thiệt hại tại Triều Tiên và Hàn Quốc và 1 nghìn tỷ để phát triển kinh tế ở Bắc Hàn), nó sẽ gấp khoảng 8 lần so với ngân sách thường niên của chính phủ Hàn Quốc. Trong vòng 10 năm, sự thống nhất sẽ ngốn ngân sách chính phủ đáng kể, có khả năng tăng lên gấp đôi so với thuế suất của Hàn Quốc - điều mà ít công dân Hàn Quốc mong muốn. Và ước tính này còn bỏ qua các hỗ trợ nhân đạo, y tế".
Rõ ràng, sự nguy hiểm còn vượt ngoài cả vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Vấn đề Triều Tiên sụp đổ hoặc thống nhất với Hàn Quốc mà phải dùng vũ lực sẽ là thách thức với Mỹ cũng như các đồng minh của họ ở châu Á.
Bảo Linh (theo National Interest)