Khi quân đội Iraq tiến gần thành phố Ramadi, hàng ngàn dân thường đang bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo IS bắt làm con tin. Nhóm khủng bố này muốn sử dụng họ làm lá chắn sống.
Quân đội Iraq đã cắt đứt con đường tiếp tế cuối cùng của IS tới Ramadi vào tháng 11, xung quanh thành phố này và khiến các chiến binh thánh chiến gần như không thể gửi quân tiếp viện tới đây.
Nhưng với hàng nghìn người vẫn còn mắc kẹt bên trong thành phố chủ yếu là người Sunni này, cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi các phần tử khủng bố ngày càng mắc chứng hoang tưởng.
Hãng Reuters của Anh đã trò chuyện với 5 người dân trong thành phố, 3 người vừa mới thoát được ra ngoài. Tất cả đều nói rằng điều kiện bên trong thành phố đã xuống cấp tồi tệ nhất kể từ khi IS chiếm đóng nơi này vào hồi đầu năm nay.
"Các chiến binh Daesh (cách gọi khác của IS) trở nên cực đoan và đa nghi hơn. Họ ngăn chúng tôi rời khỏi nhà. Những ai chống đối lại mệnh lệnh đều sẽ bị bắt và điều tra", Abu Ahmed nói. "Chúng tôi cảm thấy mình như đang sống trong một cái quan tài bít kín".
Ramadi là thủ phủ của thung lũng Euphrates màu mỡ và chỉ cách Baghdad một quãng đường chạy xe ngắn về phía tây. Nơi này bị IS chiếm đóng từ năm ngoái và đoạt lại được nó là chiến thắng lớn của chính phủ Iraq cùng đồng minh (Mỹ, Iran).
Lực lượng an ninh Iraq đứng cùng lá cờ IS bị giật xuống tại ĐH Anbar, tỉnh Anbar ngày 26/7/2015. Ảnh: Reuters |
Sự mô tả lại những quy tắc khắc nghiệt của các chiến binh IS có thể chỉ ra những bất an trong lòng người Hồi giáo dòng Sunni. Một bộ phận người Sunni đã chuyển sang giúp quân đội Mỹ đánh bại tiền thân của IS tại thành phố này trong thời gian Mỹ chiếm đóng nơi này gần 1 thập kỷ trước.
Sheikh Khatab al-Amir, người vẫn còn liên lạc với các thành viên của bộ tộc mình ở Ramadi nói rằng quân nổi dậy đang hạt chế các hoạt động tại đây.
"Các phần tử nổi dậy đã chia Ramadi thành những khu vực nhỏ hơn và không cho phép người dân di chuyển từ khu này sang khu kia bởi họ nghi ngờ bất cứ ai trong chốc lát cũng là người cung cấp thông tin cho lực lượng an ninh", anh nói.
Ngày càng có nhiều người hợp tác với lực lượng an ninh khi cách hành xử của quân nổi dậy trở nên khắc nghiệt hơn, Sheikh nói.
Người dân nói các chiến binh đã tăng cường tuần tra bằng xe máy trong thành phố để bắt giữ những ai dùng di động - thứ bị cấm dùng trong lãnh thổ mà IS quản lý. Các tòa nhà trống cũng bị giám sát.
"Họ (các chiến binh) đang bóp nghẹt chúng tôi, ngày càng chặt. Họ đối xử với chúng tôi như những tù nhân", Abu Ahmed nói. Anh cung cấp thông tin này cho Reuters từ trên mái nhà, thông qua điện thoại di động. Anh phải ẩn mình trong một cái thùng các tông để tránh bị IS phát hiện.
"Tôi phải đi bây giờ, tôi nghe thấy tiếng xe của Daesh rồi. Tôi có thể mất đầu nếu...", Abu Ahmed nói và ngắt điện thoại giữa chừng.
Nguồn cung thực phẩm đi vào thành phố từ hướng tây nhưng từ khi quân đội Iraq bao vây nơi này, người dân đang phải tồn tại bằng khẩu phần rau và tinh bột ít ỏi do phiến quân cấp cho.
"Chúng tôi đang ăn bánh mì ỉu với cà chua thối", một người dân tiết lộ họ là Omar nói. "Tôi cảm thấy mình sắp buộc phải giết chết con mèo mà mình nuôi nhiều năm nếu như chẳng còn gì để ăn nữa".
Tình trạng thiếu gas và dầu lửa buộc mọi người phải đốt củi để lấy lửa. Một số nói rằng các chiến binh gàn đây bắt đầu chất đống cành và thân cây trong sân của các gia đình để nấu nướng.
Các chiến binh đã cấp nhiên liệu cho các máy phát điện của các khu phố nhưng điều này không duy trì được lâu, khiến người dân bị mất điện trong nhiều giờ.
"Bộ mặt xấu xa của Daesh cuối cùng cũng hiện ra. Họ đối xử với phụ nữ như súc vật. Giờ đây, tôi cảm giác như mình đã tái sinh. Tôi từng cảm thấy mình là một nô lệ", Um Mohammed, một giáo viên vật lý đã trốn khỏi Ramadi cách đây không lâu cùng với người mẹ của mình nói. Hiện cả 2 mẹ con cô đang ở một nơi ẩn náu tạm thời tại phía nam Ramadi.
Vật tế thần
Ramadi - thủ phủ của tỉnh Anbar đã bị IS chiếm hồi tháng 5 trong cuộc giao tranh lớn nhất kéo dài gần 1 năm với quân đội chính phủ Iraq.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã thề sẽ đoạt lại thành phố trong vafingayf nhưng cuộc phản công đã bị trì hoãn cho đến khi quân đội Iraq được tập hợp lại. Điều này cũng dẫn tới sự trì hoãn các cuộc tấn công nhằm vào các khu vực khác của chính phủ ở phía bắc.
Các quan chức chính phủ và thủ lĩnh các bộ lạc ướng tính có khoảng 1.200-1.700 các gia đình vẫn còn đang mắc kẹt trong Ramadi.
Tuần trước, chính phủ Iraq đã hối thúc người dân rời khỏi thành phố nhưng một vài người nói với Reuters rằng các chiến binh đã ngăn họ làm vậy. Những người bị bắt đang cố chạy trốn và người đứng đầu các gia đình có nguy cơ bị hành quyết để cảnh cáo những người khác.
Một số gia đình đã chạy trốn thông qua con đường do lực lượng an ninh kiểm soát ở khu vực ngoại ô phía nam thành phố trước khi các chiến binh triển khai lính bắn tỉa tới để tiêu diệt bất cứ ai muốn chạy thoát, một số nguồn tin an ninh và dân thường cho biết.
Ahmad al-Assafi, người đã bỏ trốn vào giữa tháng 11 sau khi chi 1.000 USD cho một lái xe taxi để rời khỏi thành phố thông qua các kết nối với chiến binh, nói rằng họ dường như mất đi sự tin tưởng khi quân đội Iraq tiến sát Ramadi.
"Daesh chủ yếu sử dụng xe máy khi di chuyển để tránh các cuộc không kích và triển khai những kẻ tấn công liều chết ở nhiều khu vực tại Ramadi. Họ gây ra căng thẳng thực sự", ông nói.
Quân đội Iraq đã đạt được một số tiến bộ ở ngoại ô Ramadi trong khi phủ nhận có một số lượng lớn thường dân vô tội vẫn đang mắc kẹt ở đó.
"Chúng tôi đang dồn khủng bố vào chân tường và quân đội chúng tôi ngày càng tiến sát họ", Sabah al-Numani, phát ngôn viên lực lượng chống khủng bố Iraq nói. "Tất cả các gia đình còn ở Ramadi đều là phần tử khủng bố hoặc ủng hộ chúng", ông nói thêm.
Một số người dân cho biết, mặc dù họ ao ước thoát khỏi IS nhưng họ rất sợ sẽ bị buộc tội hỗ trợ chiến binh nếu như thành phố được chính phủ đoạt lại.
"Tôi ước điều đó có thể sớm xảy ra để thoát được khỏi cơn ác mộng Daesh nhưng những gì xảy ra tiếp theo đó có thể còn tồi tệ hơn", Omar, một người dân nói. "Chúng tôi sẽ bị biến thành vật tế thần".
Bảo Linh (theo Reuters)