Người dân tại Raqqa - thủ phủ của Nhà nước Hồi giáo IS tại Syria đang phải sống trong những cơn ác mộng ngày qua ngày.
Trong 2 năm qua, người dân Raqqa đã phải chịu một cuộc sống kinh hoàng như trong địa ngục. Ảnh: Getty |
Ném đá. Chặt đầu. Các trạm kiểm soát của thánh chiến có ở mọi ngóc ngách.
Trường học bị cấm. Ngay cả những niềm vui nhỏ nhoi như một thanh sô cô la cũng là một sự xa xỉ bởi nhiều người ở đây không thể làm việc.
Đây là cơn ác mộng diễn ra mỗi ngày của những người sống tại Raqqa - thủ phủ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Kênh CNN của Mỹ đã có bài phóng sự tiết lộ cuộc sống địa ngục của người dân sống tại Raqqa, dưới ách cai trị của IS.
"Chúng tôi không được sống, chúng tôi không có một cuộc sống", một phụ nữ 27 tuổi tại thành phố này tiết lộ với nhóm hoạt động Raqqa is Being Slaughtered Silently - RBSS (Raqqa đang bị giết trong im lặng) - một trong số ít các nguồn đưa được thông tin về thành phố phía bắc Syria này ra với thế giới bên ngoài.
Hàng ngàn người dân sống tại thành phố được coi là thủ phủ của IS này và rất nhiều người trong số họ không có gì để làm với nhóm khủng bố.
Họ sống trong sự kìm kẹp của luật Hồi giáo cứng rắn mà IS áp dụng - không thể thoát ra vì đường giao thông bị phong tỏa, các trạm kiểm soát có ở khắp nơi và mọi thông tin về họ đều được biết thông qua các nhóm quan sát, RBSS nói với CNN.
RBSS cho biết thời gian gần đây, trong một số khu phố, các đội tuần tra nữ của IS đã bắt đầu dừng lại và tìm kiếm phụ nữ.
Những hình phạt dành cho ai bước ra khỏi đường ranh giới là rất tàn bạo và có thể lan ra ra khỏi Syria.
Cùng với sự bạo lực và độc tài không thể tưởng tượng trên các con phố, còn có cả nỗi kinh hoàng từ những quả bom trên trời rơi xuống.
Đây là bức ảnh mà RBSS cung cấp cho CNN cho thấy cuộc sống bình thường tại Raqqa. |
"Một thị trấn ma"
Liên quân do Mỹ dẫn đầu bắt đầu ném bom các mục tiêu tại Syria, trong đó có Raqqa từ tháng 9/2014.
Sau đó là Nga, Pháp, và gần đây nhất là Anh đều đã đưa chiến đấu cơ đến Syria và tiến hành nhiều cuộc không kích nhắm vào khu trung tâm của IS.
Người phụ nữ 27 tuổi ở trên (giấu tên vì lý do an toàn) nói rằng khu phố của cô đã bị trúng bom của máy bay Nga. Cho dù hầu hết thị trấn vẫn còn nhưng giờ đây, nó như "một thị trấn ma", không có điện.
"Tôi chẳng thấy gì trên bầu trời ngoài mấy cái máy bay không người lái", cô nói.
Pháp - trong khi còn đang quay cuồng trong vụ khủng bố Paris do IS thực hiện khiến 130 người thiệt mạng - đã tấn công Raqqa vào tháng 11.
Các máy bay đã dội bom một trung tâm chỉ huy, một trung tâm tuyển mộ, một kho đạn dược và một trại huaansl uyện tại thành phố này, quân đội Pháp báo cáo. Một số người tự hỏi liệu IS có từ bỏ Raqqa.
Nhưng các máy bay ném bom của Pháp chỉ tiêu diệt được ít chiến binh. Nhóm khủng bố rút khỏi các địa điểm có thể bị trúng bom, RBSS nói với CNN. Đường phố không một bóng người, các khu chợ cũng thưa vắng hơn bình thường.
Và trong khi một số văn phòng của IS bị không kích, buộc chúng phải di dời thì có vẻ như các chiến binh vẫn còn cố thủ tại Raqqa, Abdalaziz al-Hamza, người đồng sáng lập RBSS nói với CNN.
Một trong số những người cố thủ tại Raqqa là "John thánh chiến" (còn có tên gọi khác là Mohammed Emwazi). Tên khủng bố bịt mặt người Anh này chuyên chế giễu phương Tây và trở thành phát ngôn viên của IS. Hắn đã bị tình báo Mỹ phát hiện và tiêu diệt trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái hồi tháng 11.
Nhiều nhà dân vẫn còn đứng vững sau các cuộc không kích và các chiến binh IS đã dùng dân thường làm lá chắn, sống trong những tòa nhà của họ và dùng trường học làm trụ sở.
Một nhà hoạt động khác của RBSS nói với CNN rằng: "Mọi người đang rất kinh hãi các cuộc không kích bởi họ hy vọng rằng các cuộc không kích này sẽ cứu họ khỏi IS".
Còn đây là bức ảnh chụp một chiến binh IS đi lại trên đường phố Raqqa, theo sau anh ta là 3 bà vợ. Ảnh: RBSS |
Một thành phố dè dặt "mỗi sáng"
Raqqa từng là một trong những thành phố tự do nhất của Syria.
Abdalaziz nói rằng: "Bạn có thể làm bất cứ điều gì (nếu bạn muốn), khám phá, mặc bất cứ thứ gì bạn muốn".
Nhưng mọi thứ dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad đã không còn như vậy.
"(Dưới chế độ ấy) lực lượng an ninh đã từng bắt người, giờ đây al-Husbah (cảnh sát Hồi giáo) lại đang làm vậy. Chúng tôi đã từng chào ngài tổng thống và giờ đây chúng tôi đang chào Califa (IS)", một nhà hoạt động khác của IS nói.
Sau khi các chiến binh thánh chiến - IS - tràn ngập thành phố này vào năm 2013, chúng đã kéo đổ bức tượng của cựu Tổng thống Hafez al-Assad và áp đặt luật Hồi giáo cực đoan.
Và mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng.
Vào thời điểm đó, các nhà hoạt động nói với CNN rằng mỗi buổi sáng, người dân dường như thức dậy trong một thành phố dè dặt hơn.
Những phán quyết - được gọi là "Bayanaat" - sẽ xuất hiện trên các bức tường của thành phố, thường hạn chế các quyền đi lại một mình hay phong cách, thậm chí kiểu tóc của phụ nữ.
Các sắc lệnh khác được tuyên bố bằng miệng - cấm hút thuốc, cấm ghi hình. Nỗi sợ bao vây thành phố và đứng sau hầu hết những điều này là gốc rễ của IS.
"Xin hãy giúp chúng tôi tìm một cuộc sống"
Nhiều người tại Raqqa nói rằng họ không muốn sống dưới sự cai trị của IS nhưng chẳng có sự lựa chọn nào khác.
"Cả thế giới nên biết rằng chúng tôi không phải IS, chúng tôi là những người chống lại họ nhiều nhất, chúng tôi là những người phải chịu nhiều nỗi đau nhất từ tội ác của họ", một nhà hoạt động RBSS nói.
"Những người chết trong vụ tấn công Paris có thể được yên nghỉ trong yên bình nhưng bọn khủng bố chỉ làm thế giới sợ hãi trong vài giờ - chỉ cần tưởng tượng bạn sống dưới quyền của IS trong 2 năm xem".
Ước mơ của họ giống như của bất cứ ai đó là sống một cuộc sống bình thường.
Nhưng tại Raqqa, hiện nay không có trường học, không trường đại học hay các công việc nhà nước. Các bác sĩ, giáo viên và luật sư đều đang thất nghiệp và nếu họ muốn làm việc thì đầu tiên họ phải gia nhập IS, RBSS nói.
Việc thiếu tiền nghĩa là các vật dụng hàng ngày như những quả chuối hay thanh sô cô la đều trở nên xa xỉ. Nước, điện cũng được cấp, ngắt theo ý muốn của chế độ.
Nhưng vẫn có người hy vọng sẽ được cứu rỗi khỏi bàn tay IS.
"Tôi muốn vào đại học... làm việc và kiếm tiền, muốn lập gia đình và có một đất nước tự do", người phụ nữ 27 tuổi đến từ Raqqa nói.
"Xin hãy giúp chúng tôi tìm kiếm một cuộc sống", cô cầu xin.
Bảo Linh (theo CNN)