(Tinmoi.vn) Trong chuyến thăm đến Thượng Hải, Tổng thống Putin rất muốn định hướng lại Chính sách Châu Á của Nga trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây và sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Để có thể hiểu được tình hình địa lý-chính trị khó khăn của Nga hiện giờ hãy nhìn vào việc Nga phải duy trì số lượng chuyến bay thương mại từ Moscow đến Vladivostok ở Viễn Đông. Mỗi chuyến bay kéo dài khoảng 8 giờ, bay hàng ngàn dặm, trải qua nhiều múi giờ và những khu vực hầu như không có người ở mà theo cách gọi từ những năm 1960 thời Xô Viết thì đó là “một đại dương rừng taiga”. Nhìn từ độ cao 30.000 feet, trông nó thực sự giống như một đại dương, cuộn trào trong tất cả các hướng: nguy hiểm, bao la và mê hoặc. Các thế hệ người Nga đã cố gắng để đối diện với vùng đất rộng lớn này. Họ đã gửi đi các nhà thám hiểm, những đội quân khai hoang, các tù binh, nông dân, quân lính và đoàn viên thanh niên để xây dựng quần đảo “văn minh” qua Siberia và Viễn Đông.
Họ xây mới những thành phố đổ nát, biến những đầm lầy trở thành đường sá, dựng lên những nhà thờ mái vòm và tượng đài Lenin. Họ đã mang nước Nga tới Châu Á và biến Châu Á thành một phần của Nga. Khó khăn hiện tại và cũng là định hướng tương lai của họ chính là không làm mất bản sắc của Nga. Và chuyến thăm của ông Putin đến Trung Quốc trong tuần này tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Á trong tính toán toàn cầu của Nga là sự thực và vẫn đang phát triển. Ngày hôm nay, có lẽ hơn bao giờ hết, Nga trông đợi ở phương Đông chứ không phải phương Tây. Họ nhận thấy những thị trường và chiến trường tiềm năng tại Châu Á và Nga đang tìm kiếm vai trò như một người môi giới, một nhà chiến lược và một nhà lãnh đạo tại đây.
Chính sách châu Á của Nga dựa trên ba trụ cột. Đầu tiên là quan hệ kinh tế. Đối tác thương mại số một của Nga là Trung Quốc với Doanh thu hàng năm gần 90 tỷ USD. Hai nước còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc cùng đạt doanh thu 60 tỷ USD. Cả ba nước đều nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên của Nga, chủ yếu là dầu và khí đốt hóa lỏng (LNG). Các sản phẩm này chiếm hơn 2/3 mặt hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc và Hàn Quốc, và hơn 80% xuất khẩu sang Nhật Bản. Khoáng sản, gỗ, và các loại cá chiếm hầu hết tỷ lệ mặt hàng xuất khẩu còn lại. Hàng hóa "công nghệ cao" và các sản phẩm công nghiệp của Nga hầu như không có mặt trong danh sách này.
Việc xuất khẩu dầu và khí đốt sang thị trường Châu Á năng động của Nga có thể được tán dương là “đòn bẩy năng lượng” nhưng cũng có thể bị chế nhạo là “phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên”. Bất kể như thế nào thì cũng không gì thay thế được dầu khí, đặc biệt là tại những tỉnh kém phát triển vùng Siberia và Viễn Đông. Ông Putin đã bắt đầu thấy lo ngại về sự mất cân đối cơ cấu thương mại ở Châu Á của Nga. Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần này, một lần nữa ông bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đầu tư vào một cái gì đó khác thay cho dầu khí Siberia, thậm chí tạo ra "liên minh công nghệ và công nghiệp" với các công ty Nga. Nhưng đến nay ông vẫn chưa cho thấy nỗ lực thu hút tài chính của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản để phát triển các dự án tại các khu vực khác thay cho ngành công nghiệp khai khoáng.
Trong những năm gần đây, các tài nguyên trụ cột của Nga đã cho thấy dấu hiệu căng thẳng. Moscow bị bao vây bởi các mối đe dọa, ví dụ như: khí đá phiến sét – không bền vững, sự cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu tại Trung Á, Đông Nam Á và Trung Đông ngày càng trở nên cấp bách.
Trụ cột thứ hai trong chính sách châu Á của Moscow là sức mạnh quân sự. Trong lịch sử, việc Nga mở rộng tại Châu Á phụ thuộc vào các kế hoạch quân sự. Nga chưa bao giờ là một đế quốc thương mại và phải vật lộn để theo kịp các đối thủ thương mại theo những thủ đoạn cũ: thôn tính lãnh thổ, xây dựng pháo đài và căn cứ quân sự rồi tăng số quân.
Trụ cột thứ ba của chính sách châu Á của Nga là chiến lược địa chính trị. Mục tiêu cơ bản của Nga là Trung Quốc với hai phương pháp: quản lý Trung Quốc và liên minh với Trung Quốc. Không có phương pháp tiếp cận khác mặc dù chuyện này đã xảy ra trong quá khứ. Ví dụ trong những năm 1960 và 1970, đỉnh điểm của cuộc đối đầu Xô-Trung, Liên Xô đầu tư rất nhiều cho quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc nhưng Ấn Độ, Việt Nam.
Mối quan hệ bắt đầu cải thiện trong những năm 1980 khi Moscow quay sang Trung Quốc trong bối cảnh bị quốc tế cô lập và bị phương Tây áp dụng biện pháp trừng phạt sau khi Liên Xô xâm lược Afghanistan và tuyên bố thiết quân luật tại Ba Lan. Mikhail Gorbachev với ý tưởng “tam giác” Trung-Xô-Ấn Độ đã nỗ lực bình thường hóa quan hệ của Nga với Trung Quốc.
Gần đây, mối quan hệ Nga-Trung lại có dấu hiệu căng thẳng. Moscow ngày càng khó khăn để theo kịp với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Bước ngoặt này đạt được trong chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Trung Á vào tháng 9/2013, trùng với Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Bishkek. Trong chuyến đi này, ông Tập đã đưa ra “Vành đai kinh tế New Silk Road” nhằm củng cố quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Trung Á. Nga không có mặt trong vành đai kinh tế mới, rõ ràng, Silk Road của Tập Cận Bình là đối thủ cạnh tranh với Liên minh Âu-Á của ông Putin.
Trung Quốc đã cố gắng để giải quyết các mối quan ngại của Moscow, phủ nhận “ý định chống Nga”. Nga hy vọng sẽ thu hút Trung Quốc đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Siberia. Đây có lẽ sẽ là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong các cuộc thảo luận của Tổng thống Putin và Tập Cận Bình trong tuần này.
Nhưng vấn đề lớn hơn hiện nay là Trung Quốc ngày càng chủ động và đòi quyền lãnh đạo các vấn đề tại khu vực và toàn cầu. Điều này sẽ tiếp tục làm suy yếu đòn bẩy của Nga tại châu Á hoặc khả năng quản lý Trung Quốc thông qua trục “tam giác”.
Chuyến thăm của ông Putin đến Bắc Kinh tuần này cho thấy chính sách Châu Á của ông đang thay đổi trọng tâm. Nga một lần nữa chuyển từ quản lý Trung Quốc sang liên kết với Trung Quốc. Trung Quốc đã quá lớn và có thể chống lại bất cứ hình thức “quản lý” nào. Thêm vào đó, Nga đang bị cô lập trên trường quốc tế sau khủng hoảng Ukraine. Ông Putin muốn nghiêng sang phía Trung Quốc để nhận được sự ủng hộ trong các cuộc tranh cãi với Châu Âu.
Liệu Trung Quốc sẽ đáp lại? Những đường nét không rõ ràng của “giấc mơ Trung Hoa” liệu có cho phép Nga giữ một vai trò ở Châu Á phù hợp với tham vọng của Putin? Những câu hỏi quan trọng mà Nga phải đối mặt khi Putin tới Thượng Hải và câu trả lời sẽ không chỉ xác định tính chất của quan hệ Nga-Trung trong tương lai gần mà còn làm rõ số phận của Nga như một cường quốc Âu-Á.
Bảo Linh (Lược dịch theo thedilopmat)