Cái tên "Tây Lương nữ quốc" dường như quá quen thuộc với nhiều người vì xuất hiện trong tác phẩm "Tây Du Ký" nổi tiếng, nhưng không mấy ai biết rằng ở một đất nước phương Tây xa xôi cũng có một hòn đảo như vậy.
Chúng ta vẫn đang ngày ngày đấu tranh vì bất bình đẳng giới, điều đó có nghĩa rằng không ít nơi trên thế giới này phụ nữ đang phải chịu cảnh thiệt thòi, lép vế. Thế nhưng, cho đến nay có một hòn đảo, nơi được gọi là "Tây Lương nữ quốc" của Estonia, phụ nữ được coi là "trụ cột" của cộng đồng.
Bước chân đến đảo Kihnu, một trong những hòn đảo của Estonia, nằm ở biển Baltic, bạn sẽ hiếm khi thấy bóng dáng của nam giới xuất hiện. Dân số trên đảo chỉ vỏn vẹn 400 người. Đây chính là một trong những cộng đồng mẫu hệ hiếm hoi cuối cùng trên thế giới, nơi nữ được nắm quyền "cai trị" xã hội.
Những bé gái sống trên đảo Kihnu.
Tuy nhiên, không phải phụ nữ nơi đây có hiềm khích gì với nam giới mà có chuyện như vậy. Họ trở thành "phe cai trị" trên hòn đảo này chỉ bởi vì họ không có cách nào khác khi những người đàn ông trong làng đều phải lênh đênh trên biển nhiều tháng liền để đánh cá. Những người phụ nữ ở nhà vì thế mà phải lo liệu tất cả mọi việc: nuôi con, làm lụng đồng áng và những vấn đề liên quan đến "chính sự" khác trong xã hội. Qua hàng thế kỷ, nếp sống lâu đời hình thành và nay phụ nữ trên đảo nghiễm nhiên trở thành "tầng lớp thống trị".
Người đứng đầu cộng đồng này là Mare Matas, cũng là chủ tịch Tổ chức Không gian Văn hóa Kihnu. Cô giải thích: "Đàn ông ở đầy thường xuyên phải đi đánh bắt xa bờ rất nhiều tháng. Điều đó khiến phụ nữ trên đảo trở nên mạnh mẽ và độc lập hơn".
Điều duy nhất mà phụ nữ nơi đây đặc biệt quan tâm không phải là ai nắm quyền mà là giữ gìn truyền thống và di sản của Kihnu.
Một người dân sống trên đảo Kihnu.
"Văn hoá Kihnu rất thú vị và sống động, chúng tôi vẫn mặc trang phục truyền thống hàng ngày. Những bài hát cổ xưa "sống bền bỉ" và được lưu truyền trong cộng đồng... Những bài hát trong đám cưới của người Kihnu và các phong tục tập quán khi cưới xin đến nay đã được 2.000 năm tuổi ", Matas nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngày nay, khi những người trẻ rời đảo để nâng cao trình độ học vấn và để có cơ hội việc làm tốt hơn thường không quay trở lại đảo nữa. Sự du nhập của thế giới hiện đại bên ngoài khiến cô lo lắng rằng nó sẽ không đủ hấp dẫn để người trẻ trên đảo tiếp tục bảo tồn các nét đẹp truyền thống văn hóa của cộng đồng mình.
Ngoài ra, không ít khách vì tò mò mà tìm đến nơi này khiến hòn đảo không còn không khí nguyên sơ như xưa nữa.
Matas tâm sự: "Tôi có một nỗi lo lắng thường trực là cái cốt, nét độc đáo trong văn hóa của chúng tôi có thể sẽ mất đi. Thật sự rất quý giá nếu những thứ như thế này được bảo tồn và sống mạnh mẽ trong thời hiện đại".
Theo aFamily/Trí Thức Trẻ