Cát Tường chỉ là một trong vô số nghệ sĩ đóng quảng cáo sai sự thật
Thời gian qua xôn xao câu chuyện nghệ sĩ Cát Tường đóng quảng cáo cho một hãng sữa tiểu đường không đúng sự thật. Trong clip quảng cáo, nữ nghệ sĩ còn khẳng định chắc nịch "uống không hiệu quả hãy kiếm tôi".
Thế nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện hãng sữa này không đúng như quảng cáo thì phía nghệ sĩ Cát Tường lại không nhận trách nhiệm về mình. Chia sẻ trên Tuổi trẻ, nữ nghệ sĩ khẳng định: "Cái đó cơ quan quản lý họ làm việc chứ sao tôi biết được. Tôi cũng đã nói luật sư và quản lý làm việc với bên đó rồi, nhưng cũng không liên quan đến tôi. Tôi là cá nhân, đứng ra giải quyết việc đó làm gì".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Quyền Linh thừa nhận có tham gia quảng cáo và nói mình chỉ là nạn nhân vì ‘tin vào chữ viện hàn lâm’.
Không chỉ Cát Tường mà còn rất nhiều nghệ sĩ Việt được các nhãn hàng mời quảng cáo rơi vào tình trạng sản phẩm không tốt như quảng cáo.
Việc nghệ sĩ chối bỏ trách nhiệm cho rằng không liên quan đến chất lượng sản phẩm mà mình quảng cáo đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Nhiều người cho rằng cần có chế tài, phạt thật nặng những nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật khiến công chúng bị gạt: "Cần có biện pháp xử lý nghiêm với những nghệ sĩ này; Anh nhận lời đóng quảng cáo rồi đến khi bị bóc phốt lại phủ nhận không biết gì về chất lượng sản phẩm là vô trách nhiệm; Chị Cát Tường là người của công chúng mà sao nỡ đi lừa công chúng vậy chị...".
Nghệ sĩ hãy làm bằng cái tâm
Là người của công chúng thì việc được các nhãn hàng mời làm đại sứ thương hiệu, mời đóng quảng cáo cho các sản phẩm vốn đã là điều rất quen thuộc từ xưa đến nay. Tuy nhiên, là nghệ sĩ thì hãy thật tỉnh táo và dùng cái tâm để lựa chọn những hợp đồng tốt.
Trong tình hình sô diễn ngày càng ít, rồi nhận thấy những quảng cáo đó kiếm tiền dễ, người này làm được chắc mình cũng làm được nên họ cứ thế nhận thôi. Nghĩa là nghệ sĩ cần tỉnh táo và không được buông lỏng bản thân. Cần phải nhận ra những quảng cáo quá đà, sai sự thật để biết nói lời từ chối.
Là người của công chúng chỉ cần nói một câu là người ta sẽ tin nên quảng cáo sản phẩm mà không biết nó như thế nào, làm ảnh hưởng tới sức khỏe những người yêu mến mình thì thật nguy hiểm.
Một bộ phận nghệ sĩ làm bậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín nghệ sĩ nói chung. Công chúng chán ghét nghệ sĩ sẽ kéo theo văn hóa đi xuống, ảnh hưởng rất nhiều mặt của xã hội.
Cần có chế tài xử phạt với nghệ sĩ đóng quảng cáo sai sự thật
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng KOLs để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình. Trong một số trường hợp, các sản phẩm được quảng cáo theo phương thức trên là hàng kém chất lượng nhưng người bán hàng đã lợi dụng sức hút của KOLs để quảng cáo không trung thực. Trường hợp đó, các KOLs đang tiếp tay bán hàng giả, hàng kém chất lượng, cho dù có thể là không cố ý.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Quốc Cường - Công ty luật TNHH Infinity Vietnam cho biết hành vi quảng cáo sai sự thật trên Internet có thể cấu thành nhiều loại vi phạm được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể là vi phạm hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018.
Ngoài ra, tùy vào mức độ của hình vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như “Tội quảng cáo gian dối” quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, “Tội lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.
Tùy vào mức độ, tính chất hành vi diễn ra để xác định là hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ở mức độ vi phạm hành chính, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cho biết các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… sẽ bị xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng.
Suy cho cùng, hình phạt nặng nhất đối với mỗi nghệ sĩ chính là bản án lương tâm. Nghệ sĩ không sợ mất mấy triệu nộp phạt, mà họ rất sợ uy tín, danh dự bị mất đi, bị khán giả tẩy chay, không còn được làm nghề. Đó là cái án rất nặng.