Chia sẻ về vấn đề xông để khỏi Covid-19, BSCKII. Nguyễn Trung Sơn, Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ với VnExpress, cho biết F0 nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của nhân viên y tế. Theo đó, F0 có thể xông phòng rửa mũi, súc họng bằng nước lá nhưng không nên xông lá trực tiếp.
Trước đó, đã có trường gợp F0 là bé T.L.N.P. (14 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) mắc Covid-19 đã gặp tai nạn khi xông hơi tại nhà bằng lá thuốc. Trong quá trình xông hơi, bé bị bỏng nặng vùng đầu, mặt, cổ bởi bị lên cơn co giật và ngã úp mặt vào nồi nước xông rồi bất tỉnh. Sau đó, P. được cấp cứu, phải thở máy, truyền dịch, khống chế nhiễm trùng bằng kháng sinh mạnh.
Theo Tuổi trẻ, những F0 có thể xông mũi họng bằng tinh dầu bạch đàn, chanh, sả và cho thấy dấu hiệu tích cực sau sau 3-4 ngày. Tuy nhiên, việc này sẽ không giúp giảm thời gian điều trị so với người không xông.
Theo TS Trương Thị Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, kiêm phó chủ tịch Hội Đông y TP.HCM, việc xông hơi nóng vào mũi, họng là giải pháp để vô hiệu hóa sự lây nhiễm của virus trong giai đoạn mới nhiễm. Khi đó virus khu trú tại mũi, miệng, họng nhưng chưa nhiễm vào máu.
Tuy nhiên, người dân chỉ nên xông phòng, xông mũi họng, đặc biệt tuyệt đối không xông toàn thân vì vào ngày thứ 3, F0 thường có triệu chứng vã mồ hôi. Việc xông toàn thân sẽ khiến cơ thể sẽ tiết ra nhiều mồ hôi làm mất nước, suy nhược.
Thời gian xông mũi chỉ nên kéo dài từ 10-20 phút và làm 2 lần/ngày. F0 cũng không nên lạm dụng xông quá nhiều lần vì có thể làm cơ thể phản ứng (co thắt lại). Nếu xông bằng thảo dược thì phải rửa kĩ, loại bỏ hoàn toàn nấm mốc.
Lưu ý đặc biệt là không xông trực tiếp vào người, đặc biệt là với trẻ nhỏ dưới 30 tháng tuổi, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay ngời bị dị ứng với tinh dầu.