Nhà báo Andrei Lankov trong một bài viết đăng trên tờ The Guardian của Anh đã nhận định: “Phương pháp thành công của Kim Jong-un chính là các doanh nghiệp tư nhân và hành quyết công khai”.
Kim Jong-un kiểm tra một con tàu mới hoàn thành của Triều Tiên trên sông Teadong. Ảnh: Getty |
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dưới con mắt truyền thông quốc tế thực sự rất "xấu xí". Ông bị nhiều người nhìn nhận là tính khí thất thường, béo phì, thích hành quyết tướng lĩnh của mình và mang chiến tranh ra dọa thế giới. Ông cũng là người cai trị một quốc gia nghèo khó, luôn đứng trên bờ vực của nạn đói nhưng lại được trang bị vũ khí hạt nhân.
Những mô tả trên có một phần sự thật nhưng không phải đại diện cho toàn bộ câu chuyện. Kim Jong-un có thể là một người thích hành quyết nhưng cũng phải nói rằng ông là người cai trị đầu tiên của đất nước này thực hiện cải cách theo hướng thị trường.
Người dân Triều Tiên đi lại trên cây cầu Teadong mới sơn lại. Ảnh: AP |
Các chuyên gia đồng ý rằng trong 1 thập kỷ qua, Triều Tiên không chỉ thoát khỏi nạn đói thảm khốc cuối những năm 1990 mà còn có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Những người bi quan thì cho rằng tốc độ tăng trưởng hàng năm của Triều Tiên khoảng 1,5%, những người lạc quan thì tin rằng con số này có thể lên đến 4%.
Hơn hết, sự tăng trưởng này có được là nhờ sự xuất hiện của nền kinh tế tư nhân. Trên giấy giờ, hoạt động kinh doanh tư nhân tại Triều Tiên vẫn bất hợp pháp nhưng thực tế thì luật pháp hiếm khi được thực thi. Kết quả là một số người Triều Tiên đã tạo ra được nền kinh tế thị trường từ vạch xuất phát. Ngày nay, Triều Tiên đã có những hầm mỏ, công ty xe tải và nhà máy lọc dầu tư nhân.
Phải thừa nhận rằng, chủ sở hữu của các doanh nghiệp trên đã phải đăng ký là doanh nghiệp nhà nước. Nhưng điều này chẳng lừa được ai. Người ta ước tính rằng khoảng 30-50% GDP của Triều Tiên hiện nay là của khu vực tư nhân.
Sự xuất hiện của các doanh nhân giàu có mới (nhiều người trong số họ là phụ nữ) được thấy nhiều ở Bình Nhưỡng và các thành phố lớn khác của Triều Tiên. Họ chiếm phần lớn những vị khách quen thuộc của các nhà hàng hạng sang trên toàn thành phố. Mặc dù mỗi bữa ăn trị giá 15-25 USD, tương đương với thu nhập trung bình 1 tuần hoặc 2 tuần của một gia đình ở Triều Tiên, những nơi này vẫn luôn đông đúc.
Kim Jong-un kiểm tra một nông trại trồng cây ăn quả. Trong những năm gần đây, sản lượng nông nghiệp của Triều Tiên đã có bước tiến vượt bậc. Ảnh: EPA |
Giá bất động sản đang thay đổi chóng mặt. Một căn hộ tốt ở Bình Nhưỡng có giá khoảng 100.000 USD và ngôi nhà tốt nhất có giá 200.000 USD. Hơn 10 năm qua, giá nhà tại Triều Tiên đã tăng gấp 10 lần.
Về mặt luật pháp, người mua không thể sở hữu các ngôi nhà. Người ta chỉ bán "quyền cư trú" mà thôi.
Có một hiệu ứng lan tỏa: trong khi người giàu mua nhà và ô tô châu Âu thì càng ngày càng có nhiều người có mức sống tầm trung ở Triều Tiên đủ khả năng mua thịt ăn vào cuối tuần và có cháo gạo nguyên chất ăn mỗi ngày.
Tất cả những thay đổi này bắt đầu vào cuối năm 1990 nhưng ông Kim Jong-il, cha đẻ của Kim Jong-un khi ấy không biết làm gì để nền kinh tế tư nhân phát triển. Có lúc, ông khởi xướng đàn áp (luôn luôn chỉ làm cục bộ và không thành công), có lúc ông chấp nhận thay đổi một cách miễn cưỡng. Kim Jong-un khác vậy: ông lặng lẽ khuyến khích nền kinh tế thị trường.
Thành công lớn nhất của nhà lãnh đạo trẻ là cải cách nông nghiệp, tương tự như những gì mà Trung Quốc đã làm vào cuối những năm 1970. Những cánh đồng, về mặt pháp lý thuộc sở hữu của nhà nước, được trao cho các hộ tư nhân và nông dân canh tác và được chia lợi nhuận thu hoạch (tỷ lệ 30-70).
Kết quả của các cuộc cải cách này có thể dự đoán được: trong những năm qua Triều Tiên đã chứng kiến những vụ thu hoạch có năng suất kỷ lục và giờ đã đi đến tự cung tự tấp về thực phẩm.
Nếu các kế hoạch cải cách công nghiệp (phân cấp và tư nhân hóa một phần những gì còn lại của ngành công nghiệp nhà nước) được tính đến thì bức tranh chung sẽ rõ ràng. Kim Jong-un muốn áp dụng cho nước mình mô hình đã từng thành công tại Đài Loan, Hàn Quốc và hiện đang mang lại kết quả ấn tượng tại Trung Quốc và Việt Nam.
Ở Trung Quốc, những thay đổi về kinh tế sẽ đi kèm với nới lỏng chính trị đáng kể. Nhưng Triều Tiên không vậy. Những cải cách kinh tế của Kim Jong-un tuy có lợi nhưng không có khả năng dẫn tới quyền tự do cá nhân hơn. Do đó, tự do hóa kinh tế hiện nay ở Triều Tiên lại kết hợp với xử tử công khai. Điều này khiến Kim Jong-un thành công trong việc cải cách đất nước mà không sợ bị lật đổ.
Bảo Linh (theo theguardian)