(Tinmoi.vn) Kẻ hành quyết nhà báo Mỹ James Foley có thể là một trong khoảng 400 công dân Anh - những kẻ đã từ bỏ tổ quốc, chạy sang Iraq và Syria để gia nhập hàng ngũ của IS trong mùa hè này.
Trong đoạn video gây rúng động do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tung ra hôm 20/8, người xem dễ dàng nhận ra chất giọng miền nam nước Anh trôi chảy của tên đao phủ chặt đầu nhà báo James Foley.
Một số chuyên gia tin rằng hắn là một trong khoảng 400 công dân Anh - những kẻ đã từ bỏ tổ quốc, chạy sang Iraq và Syria để gia nhập hàng ngũ của IS trong mùa hè này.
Kẻ hành quyết nhà báo James Foley được cho là người Anh. Ảnh: IB Times
Chiến binh người Anh là “những kẻ tàn bạo nhất”
Phát biểu trên kênh truyền thanh BBC 4 ngày 20/8, Shiraz Maher, chuyên gia về chiến binh thánh chiến tại Trung tâm nghiên cứu Chủ nghĩa Cực đoan quốc tế thuộc trường Cao đẳng King, London cho hay những phần tử cực đoan người Anh là những kẻ “tàn ác và thích gây sự chú ý nhất” trong hàng ngũ IS.
Theo Maher, từ đánh bom tự sát đến trở thành đao phủ, dường như các chiến binh Anh đang tham gia “đầy đủ” mọi cuộc xung đột do IS phát động.
Truyền thông cũng không khó để nhận biết quốc tịch của những tên này khi chúng công khai về bản thân qua Facebook hoặc Twitter và dùng các mạng xã hội này làm công cụ tuyên truyền thánh chiến, tuyển dụng thành viên hay thông báo về chiến dịch tàn bạo của mình.
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều chàng trai trẻ (trong một số trường hợp còn có cả các thiếu nữ) lại háo hức gia nhập IS - tổ chức mà theo lời tổng thống Mỹ Barack Obama, đang lan rộng “như một căn bệnh ung thư” di căn tại Trung Đông và “cần được cắt bỏ”.
Tín đồ tôn giáo hay người trẻ chán chường?
Một số chuyên gia, trong đó có Maher, tin rằng ban đầu người Hồi giáo dòng Sunni tại Anh chạy đến Syria vì "mối đe dọa hiện hữu" đối với đức tin của họ từ người Hồi giáo dòng Shia. Hiện tại, người Hồi giáo dòng Sunni đang là lực lượng nòng cốt trong IS, giúp tổ chức này mở rộng lãnh thổ cũng như tầm ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, một số chiến binh thánh chiến người Anh cũng giải thích động cơ riêng của họ khi gia nhập IS. Trong một đoạn video dài 13 phút mang tên “Sẽ chẳng còn cuộc sống nếu thiếu đi Thánh chiến” do IS phát hành, ba thành viên người Anh đã miêu tả mục đích tới tới Iraq và Syria của họ là “một nỗ lực” để thuyết phục những người khác từ bỏ cuộc sống thoải mái phương Tây vì cuộc chiến tôn giáo
“Phương pháp điều trị cho những phiền muộn là thánh chiến... Cảm thấy tự hào và hạnh phúc như chúng tôi đang cảm thấy”, thành viên tên Abu Bara al-Hindi cho hay.
Một chiến binh người Anh trong tổ chức IS. Ảnh: Ibtimes
Một thành viên khác, tại thời điểm đó vẫn còn ở Anh, nói với BBC rằng anh ta cảm thấy “nghĩa vụ” phải đi tới Iraq hay Syria bởi “bề trên đã truyền lệnh cho người Hồi giáo ra đi và thực hiện cuộc thánh chiến”. Theo người này chết vì đạo là “lời hứa của thiên đường”.
Trả lời phỏng vấn trang tin Vice News hồi đầu năm nay, Amer Deghayes (20 tuổi), chàng thanh niên từ Brighton chạy sang Syria vào tháng 7-2013 và tận mắt chứng kiến em trai của mình chết khi giao chiến, nói: “Nó bị giết vì một lý do cao cả và cái chết đó là dấu hiệu của sự tử đạo”.
Tờ IBTimes nhận định, bất kể nguyên nhân là gì, sự tín ngưỡng sâu sắc hay lối thoát dễ dàng khỏi cuộc khủng hoảng đang tồn tại trong thế hệ Y (những người ra đời trong khoảng thời gian 1980-1994), thì hiện tượng đông đảo những tín đồ đạo Hồi đổ sang Syria và Iraq cũng đang khiến chính phủ Anh phải bẽ mặt.
Sau tin tức kẻ hành quyết nhà báo James Foley có thể là công dân Anh ngày hôm qua, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã trấn an người dân bằng cách tuyên bố cơ quan tình báo nước này vẫn đang "theo dõi và giám sát những công dân có thể đã tham gia các nhóm cực đoan”.
Trong khi đó cộng đồng Hồi giáo tại Anh cũng kêu gọi những người trẻ hãy dừng ngay việc tham chiến ở nước ngoài và có thể “ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ở Syria và Iraq” từ nước Anh “theo một cách an toàn và có trách nhiệm”.
Nguyễn Loan (Theo Ibtimes)