Tối 6/12, trận đấu Việt Nam - Lào tại giải AFF Cup 2020 đã diễn ra. Tuy nhiên, điều khiến khán giả bức xúc là việc không được nghe các cầu thủ hát Quốc ca trong trận mở màn. Vụ việc khiến nhiều Cộng đồng mạng “nóng máu”, thậm chí có người để lại bình luận rằng: "40 năm cuộc đời, đây là lần đầu tiên lịch sử bóng đá Việt Nam khán giả xem tường thuật trận đấu trên nền tảng xã hội không được xem các cầu thủ hát Quốc ca".
Lí do thực sự đằng sau việc xem bóng đá không được nghe cầu thủ hát Quốc ca trên đất Singapore là vì bị tắt tiếng do... bản quyền. Và không chỉ có riêng Quốc ca Việt Nam bị tắt, mà Quốc ca các nước đều “im bặt” trong trận đấu AFF Cup 2020 phát trên nền tảng Youtube.
Cụ thể, phía Youtube ra luật bản quyền nhằm bảo vệ các tác phẩm nguyên gốc có quyền tác giả. Bản quyền là việc xác định xem ai có thể được sử dụng bản nhạc do chính mình hoặc người khác khai thác, đồng thời xác định cách các kênh kiếm tiền từ Youtube.
Bài hát "Tiến quân ca" có 2 bản quyền, bao gồm bản sáng tác mà gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao tặng lại nhân dân năm 2016. Đồng thời có một bản ghi âm, cho phép khi cá nhân, tổ chức bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc để làm thì theo Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan).
Ví dụ bản ghi Tiến quân ca do phía Hồ Gươm Audio sản xuất và ủy quyền cho BH Media quản lý, khai thác bản ghi này trên YouTube. Khi ấy, nếu có kênh khác đăng tải video sử dụng bản ghi này sẽ bị YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.
Nếu các kênh tự sản xuất bản ghi Tiến quân ca thì mới không bị YouTube nhận diện bản quyền. Thực tế trong trận đấu Việt Nam – Lào vốn không hề có bên nào "đánh bản quyền" Tiến quân ca, nhưng đơn vị tiếp sóng đã chủ động tắt tiếng phần Quốc ca để phòng xa, tránh mất Doanh thu.