Vào tuần trước chính phủ Ukraine đã dỡ bỏ cam kết “ không tham gia vào liên minh nào”. Sự việc này đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ chính quyền Nga. Moscow cho rằng, Kiev đang dọn đường để gia nhập NATO và Nga cũng cáo buộc phương Tây đang tập trung các thế lực thù địch ở xung quanh biên giới với Nga.
Chiến sự ở Donetsk, miền đông của Ukraine
Kế hoạch gia nhập NATO hiện nay của Ukraine đã thể hiện sự khác biệt sâu sắc giữa Kiev và Moscow. Nga đã chính thức mất đi một đồng minh thân cận trong bao nhiêu năm qua, sau khi Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych đã bị lật đổ vào tháng 3 vừa qua và thổi bùng lên cuộc xung đột ở miền đông, nơi mà đa số người dân có xu hương thân Nga và nói tiếng Nga.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia cơ hội gia nhập NATO của Ukraine trong tương lai gần rất khó có thể xảy ra. Thực tế rằng, các nước thành viên châu Âu của khối NATO là không mong muốn đối đầu với Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên án động thái này của chính quyền Kiev, mà theo ông, sẽ làm phức tạp việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Đó là phản tác dụng, nó chỉ bơm dầu vào lửa, tạo ra ảo tưởng rằng bằng việc áp dụng pháp luật như vậy có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, ông Lavrov nói với các phóng viên. Moscow khẳng định rằng, Ukraine cần thực hiện các cuộc đối thoại với các lực lượng dân quân để tìm hướng giải quyết chung chứ không nên đơn phương thực hiện các chiến lược thù địch với Nga. Đồng thời Moscow phủ nhận việc gửi vũ khí cho lực lượng ly khai ở khu vực xung đột.
Quyết định bác bỏ tình trạng không liên kết, liên minh của Ukraine đã được thông qua chỉ vào thời điểm khi các nỗ lực ngoại giao quốc tế để khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và lực lượng ly khai dường như đã bắt đầu mang lại kết quả. Và dự kiến cuộc đàm phán sẽ tổ chức hội đàm tại Minsk.
Dự kiến ở cuộc đối thoại Minsk, đại diện của chính quyền Ukraine, dân quân, Nga và đại diện tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ tìm cách ký kết thỏa thuận ngừng bắn, thương lượng các điều khoản của việc trao đổi tù nhân, tạo ra một đường ranh giới giữa các lực lượng chính phủ và lực lượng dân quân, loại bỏ các vũ khí hạng nặng, cũng như việc cung cấp viện trợ nhân đạo trong khu vực chiến tranh tàn phá.
Mặc dù thực tế rằng chưa ai trong số các bên đạt được các mục tiêu quân sự của mình, không ai muốn tiếp tục chiến đấu trong mùa đông, vì sợ rằng dòng người tị nạn trong thời tiết lạnh có thể là một thảm họa nhân đạo khủng khiếp chưa từng có.
Các cuộc mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine đã được kích hoạt bởi một thực tế rằng, Ukraine từ chối hội nhập kinh tế với Nga. Cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych, kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn với Moscow, và khi ông hoãn vô thời hạn việc ký kết một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu và ngay lập tức tại Kiev, các cuộc biểu tình ủng hộ phương Tây bắt đầu, quy mô được tăng lên để loại bỏ quyền lực của Yanukovych. Moscow tuyên bố sự kiện này là một cuộc đảo chính và sau đó Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và phía đông của Ukraine đã bắt đầu các cuộc nổi dậy ủng hộ Nga.
Vào tuần trước Moscow đã thực hiện một bước tiến trong việc tạo ra một liên minh kinh tế mà không có Ukraine. Theo đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan để thảo luận về các chi tiết cuối cùng của sự hình thành của Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Theo các chuyên gia, nước Nga đang đi tìm các hướng khác nhau để chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập chính trị từ phương Tây. Trong khi đó, Ukraine vẫn còn phải mất nhiều thời gian nữa thì mới trở thành thành viên của NATO. Tuy nhiên hiện chính quyền Kiev vẫn sẽ nhận được các viện trợ quân sự, kinh tế từ phương Tây, đứng đầu là Mỹ.
Theo Yên Hưng/Newsland