Một chiếc thủy phi cơ có khả năng vận chuyển hàng hóa và nhân sự của Trung Quốc tới quần đảo đang có tranh chấp Trường Sa nhanh chóng.
Trung Quốc đang sản xuất thủy phi cơ lớn nhất thế giới – Jiaolong (Rồng nước) AG600. Có khả năng cất cánh và hạ cánh cả trên cạn lẫn dưới nước, chiếc máy bay mà Trung Quốc đang sản xuất có thể giúp Bắc Kinh dễ dàng nhấn mạnh những yêu sách của mình tại Biển Đông, một bài báo trên Defense News dẫn lời các chuyên gia.
“Những máy bay lội nước như AG600 thật hoàn hảo để tái cung cấp cho các đảo nhân tạo mới mà Trung Quốc đang xây trên Biển Đông. Đồng thời, những đảo này sẽ là căn cứ tuyệt vời để vận hành AG600 tham gia vào các cuộc tuần tra hàng hải tại những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đòi chủ quyền”, ông Richard Bitzinger, điều phối viên của Chương trình Biến đổi Quân sự tại trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam của Singapore lưu ý.
AG600 có thể giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng thống trị trên Biển Đông
Với trọng lượng cất cánh tối đa là 60 tấn, Jiaolong AG600 sẽ trở thành thủy phi cơ lớn nhất của Trung Quốc khi nó được đưa vào hoạt động vào năm 2016 hoặc 2017. Theo tin tức mà Defense News có được, chiếc máy bay được trang bị 4 động cơ cánh quạt tuabin WJ-6 và phạm vi hoạt động lên đến 5.500km. Tốc độ tối đa đạt 555km/h.
Chiếc AG600 hiện tại đang được Công ty máy bay thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (CAIGA) sản xuất. Đơn vị này cũng đang phát triển 2 thủy phi cơ khác. Defense News ngày 17/3 đưa tin công ty này thông báo họ đã hoàn thành việc lắp ráp thân trước của nguyên mẫu đầu tiên. Phiên bản dân sự của máy bay này có thể được sử dụng để thực hiện các hoạt động cứu hộ, chữa cháy rừng, nhiệm vụ vận chuyển và giám sát hàng hải.
Tuy nhiên, chiếc máy bay cũng có thể thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ quân sự bao gồm các cuộc tuần tra tầm xa, nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm và các nhiệm vụ gài mìn. Ngoài ra, AG600 sẽ có khả năng vận chuyển hàng hóa và nhân viên tới quần đảo Trường Sa – nơi đang có tranh chấp một cách nhanh chóng. Tại đây, Trung Quốc đang xây dựng những tiền đồn nhân tạo trên Bãi đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma và bãi Gaven. Tất cả đều được bao quanh bởi vùng nước nông.
Ching Chang, một nhà nghiên cứu thuộc Hội Nghiên cứu Chiến lược ROC của Đài Loan nhấn mạnh có một lý do tinh vi đằng sau chương trình AG600. Ông lưu ý rằng AG600 sẽ giúp Bắc Kinh thực hiện việc quản lý có hiệu quả tại những khu vực tranh chấp bằng cách tăng cường công suất “thực thi pháp luật, tuần tra ngư nghiệp và hoạt động chống săn trộm tại các rạn san hô, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, tìm kiếm cứu nạn, vận chuyển cứu hộ y tế, khảo sát địa chấn và khí tượng, cụ thể đó là tất cả các chức năng cai trị thể hiện sự cai quản thực tế tại Biển Đông” của Trung Quốc.
Các hoạt động cai quản này sẽ giúp đỡ đáng kể cho những yêu sách của Trung Quốc đó là những đảo này có thể cư trú theo đúng UNCLOS. Do đó, nó có thể thúc đẩy bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc để lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tại Biển Đông, ông Chang nói.
Trung Quốc đã bắt đầu phát triển AG600 từ năm 2009. Một số bài báo lưu ý rằng có khoảng 60 máy bay sẽ được sản xuất trong những năm tới. “Kể từ khi chương trình này khó mà vin vào những nhu cầu dân sự, họ đã giải thích rằng chương trình đó có ý nghĩa lớn về mặt quân sự”, Sam Bateman, một cố vấn cho Chương trình An ninh Hàng hải tại trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Singapore lập luận.
Bảo Linh (Theo Thediplomat)