(Tinmoi.vn) Tờ Global Times của Trung Quốc ngày 25/5 đưa tin Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông để đòi chủ quyền tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Một tiền đồn của Trung Quốc xây dựng trái phép tại Đảo Gạc Ma của Việt Nam. Minh họa ghép từ ảnh chụp màn hình
Hòn đảo nhân tạo này được Viện nghiên cứu và thiết kế đóng tàu số 9 Trung Quốc (NDRI) có trụ sở tại Thượng Hải xây dựng. Có khả năng đảo này sẽ được xây dựng quanh đảo Gạc Ma và một phần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đảo Gạc Ma của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng sau hải chiến Trường Sa năm 1988. Trận chiến khiến hơn 70 thủy thủ Việt Nam hi sinh.
Theo tin tức từ Global Times, Trung Quốc sẽ cho xây dựng căn cứ không quân và quân cảng trên hòn đảo nhân tạo. Hòn đảo sẽ được sử dụng chủ yếu để tăng cường khả năng ứng phó nhanh của tàu chiến và tàu cảnh sát biển Trung Quốc nếu có sự cố xảy ra trong khu vực.
Trong lúc ấy, hòn đảo nhân tạo này sẽ hoạt động như một kênh cung cấp các tàu thuyền đánh cá Trung Quốc tới hoạt động tại vùng khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông. Một khu nhà tập thể, tòa nhà văn phòng, nhà thể chất và trang trại có thể cũng sẽ được dựng lên tại đây.
Trước đó, trang Wantchinatimes của Đài Loan dẫn nguồn từ Duowei News, một trang tin tức của người Trung Quốc ở hải ngoại, đưa tin quân đội Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự trên đảo Đá Gạc Ma để bành trướng lực lượng tại khu vực.
Dẫn lời các chuyên gia quân sự, trang Duowei nói rằng Trung Quốc sẽ sớm xây dựng một sân bay mới trên đảo Gạc Ma để tăng cường sức mạnh trong khu vực biển Đông.
Trong một diễn biến khác, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Đài Loan cũng đang tiến hành xây dựng trái phép đê chắn sóng để xây cầu cảng ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm tiếp cận các tàu khu trục nhỏ. Mới đây, Đài Loan cũng tiến hành một cuộc tập trận tại đảo Ba Bình.
Hãng Reuters ngày 25/5 đưa tin Đài Loan chuẩn bị cho xây dựng một cảng trị giá 100 triệu USD tại đảo Ba Bình của Việt Nam. Động thái này được cho là một chiến lược quân sự.
Nhìn lại Hải chiến Trường Sa năm 1988, hải quân Trung Quốc đã chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Do 3 bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Nhân dân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra ngày 14/3/1988. Phía Việt Nam mất ba tàu vận tải, 64 thủy binh hy sinh. Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24 thủy binh. Kể từ đó Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp bãi đá Gạc Ma.
Đầu tháng 5, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan vào hoạt động gần đảo Lý Sơn. Ngày 3-5, trang web của Cục Hải sự Trung Quốc đã đưa cảnh báo hàng hải số 14033 về việc giàn khoan Hải dương 981 (Haiyang Shiyou 981) “tác nghiệp tại Nam Hải”. Theo đó, từ ngày 2-5 đến 15-8, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động tại tọa độ 15029’N/1110 12’E; cấm tất cả các loại phương tiện không được xâm nhập khu vực Hải Dương 981 hoạt động trong phạm vi bán kính 1 hải lý.
Đối chiếu theo tọa độ trên thì giàn khoan Hải Dương 981 đã xâm phạm vào lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý (221km) và cách phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý.
Đây là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Bảo Linh (Theo wantchinatimes/Reuters)