(Tinmoi.vn) CNN dẫn lời phát biểu của một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng MH370 đang nằm dưới đáy Ấn Độ Dương, sau khi các nhà chức trách Malaysia cho biết họ nhận được tín hiệu ít nhất 5 lần gửi từ chiếc máy bay mất tích tới các vệ tinh kể từ khi biến mất khỏi màn hình radar.
Clip thêm chứng cứ MH370 phát tín hiệu nhiều lần sau khi mất tích
Nhà chức trách Malaysia tin rằng họ nhận được một số tín hiệu "ping" từ hệ thống dịch vụ dữ liệu của máy bay, được biết đến với tên gọi ACARS, truyền cho vệ tinh sau khi phi cơ mất liên lạc. Điều này cho thấy chiếc máy bay có thể đã bay đến Ấn Độ Dương.
Tin tức này cùng với dữ liệu radar nhận được và thông tin về mức nhiên liệu khiến các quan chức tin rằng máy bay đã rơi xuống biển, theo hướng ngược lại so với điểm xuất phát.
“Một khả năng rất có thể xảy ra” là chiếc máy bay đang nằm ở dưới đáy Ấn Độ Dương, CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay.
Hiện tàu USS Kidd đang di chuyển tới Ấn Độ Dương để bắt đầu tìm kiếm ở khu vực này. Chiếc tàu khu trục của Mỹ đang thực hiện theo yêu cầu của chính phủ Malaysia, theo phát ngôn viên hạm đội 7 của Mỹ cho biết hôm qua (13/3).
Ông nói: “Chúng tôi không làm việc tự do, chúng tôi đang di chuyển tới phía Tây theo yêu cầu của chính phủ Malaysia. Việc này không dễ dàng. Đi tới Ấn Độ Dương như việc di chuyển từ một bàn cờ ra một sân bóng đá.”
Ấn Độ Dương là đại dương lớn thứ ba, là nơi nước sâu hơn bất kỳ vùng biển nào trên thế giới. Ông nói: “Đây hoàn toàn là một cuộc mạo hiểm, đòi hỏi chiến lược, kỹ năng mới.”
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines chở theo 239 người mất tích khỏi màn hình theo dõi vào sáng sớm 8/3
Các phân tích từ tình báo Mỹ, Ủy ban Hàng không Liên bang và Ủy ban an toàn không vận quốc tế kết luận rằng tiếng “ping” có thể đến từ chiếc máy bay mất tích, theo một quan chức cấp cao của Mỹ.
Rất nhiều dữ liệu nhận được cho thấy máy bay đang bay qua Ấn Độ Dương, theo quan chức này cho biết.
Tuy nhiên, cũng có một giả thuyết khác, đó là chiếc đèn báo của thiết bị phát định vị khẩn cấp (ELT) sẽ tự động bật lên và gửi dữ liệu khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, việc thiết bị này không được kích hoạt có nghĩa là máy bay vẫn chưa bị nổ, thiết bị bị lỗi, hay nó đang nằm dưới nước biển ở đâu đó.
Mary Schiavo, cựu trưởng điều tra viên của Bộ không vận Mỹ nói rằng thậm chí khi các thông tin mới nhất không rõ, ràng, họ vẫn phải tiếp tục theo đuổi, “phản hồi lại”, "vì không còn lựa chọn nào khác.”
Một chi tiết khác cũng được tiết lộ hôm thứ 5 (13/3). Các quan chức Malaysia nói rằng hai hệ thống thông tin đã bị tắt đi trong 14 phút.
Theo đó, hệ thống báo dữ liệu của máy bay đã bị tắt vào lúc 1g07 sáng thứ 7, trong khi máy phát tín hiệu định vị bị tắt vào lúc 1g21 sáng.
Chuyên gia hàng không John Nance cho báo CNN biết: “Việc này có thể nói rằng, đây là một hành động được tính toán kỹ lưỡng, chứ không phải là một dấu hiệu của sự cố thảm họa."
Ít nhất 12 quốc gia đang tham gia vào quá trình tìm kiếm phi cơ mất tích. Những bí ẩn xung quanh số phận của chiếc máy bay Boeing 777-200 chở 239 hành khách khiến cho các quốc gia và các chuyên gia hàng không cực kỳ bối rối. Sau 6 ngày tìm kiếm trên đại dương mênh mông, nỗ lực của họ vẫn chưa mang lại kết quả gì. Vụ việc được coi là bí ấn khó giải thích nhất trong lịch sử hàng không hiện đại.
Ấn Độ cũng mới gia nhập đội tìm kiếm liên quốc gia, gửi hai tàu hải quân ra đảo Andaman và Nicobar, theo phát ngôn viên quân đội cho báo CNN biết.
W.2 (Theo CNN)