Theo Sohu, thôn Vương Công Trang ở Thương Khâu, Hà Nam, Trung Quốc được mệnh danh là "Trung Quốc họa hổ đệ nhất thôn". Thôn Vương Công Trang nằm ở ngã ba tỉnh Hà Nam và Sơn Đông, cách huyện Dân Quyền 28km. Theo một báo cáo năm 2023, trong làng có hơn 900 người tham gia hội họa và các ngành liên quan, trong đó có 2 thành viên của Hiệp hội Nghệ thuật Trung Quốc, 73 thành viên của hiệp hội nghệ thuật tỉnh, hơn 200 thành viên của hiệp hội nghệ thuật thành phố và quận.
Thôn Vương Công Trang tuy nằm ở vùng sâu vùng xa nhưng không dựa vào nghề trồng trọt để kiếm sống, hơn một nửa số người trong làng thoát nghèo nhờ nghề "vẽ hổ".
Vương Kiến Dân, một nông dân nay đã trở thành họa sĩ được mệnh danh là một trong "tứ đại hổ vương" của thôn Vương Công Trang cho biết: “Tôi bắt đầu học vẽ chính thức từ năm 16 tuổi và sau đó ngày càng quan tâm hơn đến nghệ thuật vẽ hổ”. Chia sẻ với phóng viên, ông Vương cho biết, “bức tranh hổ” của anh ban đầu được bán với giá vài nhân dân tệ, sau đó được bán với giá hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn nhân dân tệ. Công việc kinh doanh ngày càng phát triển, cuộc sống cũng nhờ đó ngày càng tốt hơn.
Dưới sự khích lệ của Vương Kiến Dân và những người khác, người dân trong thôn cũng bắt đầu học các kỹ năng vẽ. Khi ngày càng có nhiều người trẻ tham gia vào ngành "vẽ tranh hổ", con đường làm giàu mới của thôn cũng bắt đầu lộ rõ.
Là thế hệ thứ hai tham gia vào việc vẽ tranh hổ, họa sĩ Triệu Toàn Hỉ cho biết, anh thuộc trường phái vẽ hổ "hậu thập niên 80".
"Chúng tôi đã mở cửa bán hàng thông qua các nền tảng phát sóng trực tiếp. Hiện tổng số người hâm mộ các tài khoản trong làng tham gia các ngành liên quan đã lên tới 40 tới 50 triệu", anh Triệu tự hào.
Được biết, làng Vương Công Trang tuân thủ quan điểm “lấy nông dân làm chủ và để nông dân cùng làm giàu”, thực hiện mô hình phát triển toàn diện “công ty + ủy ban thôn + dự án + cổ phần của dân làng” và thành lập doanh nghiệp nông thôn.
Làng vẽ tranh hổ của Vương Công Trang trở thành "tấm gương" điển hình để phát triển ngành du lịch văn hóa và thúc đẩy phục hồi nông thôn, liên tiếp giành được các danh hiệu xuất sắc. Trong những năm qua, thôn Vương Công Trang đã bắt kịp xu thế của thời đại và tận dụng tốt mô hình kinh doanh livestream để buôn bán tranh.
Hiện nay, trong số 1.562 dân làng ở làng Vương Công Trang có hơn 900 người làm nghề hội họa và các ngành liên quan, hơn 90.000 bức tranh được bán hàng năm, với giá trị lên đến gần 100 triệu NDT (khoảng 400 tỷ VND).
Vương Kiến Dân cho biết, nhờ tìm được hướng đi phù hợp, cùng với sự nỗ lực của dân làng và sự quảng bá của nhà nước, cuộc sống của mọi người đã được cải thiện rất nhiều. Bên cạnh đó, tranh của làng còn được bán ra nhiều quốc gia trên thế giới như Bangladesh, Đức, Thụy Sĩ, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản,...