Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, sau khẩu trang, nước rửa thay thì gần đây một sản phẩm mang tên "mũ chống dịch" đang gây bão cộng đồng vì theo lời quảng cáo, mũ có thể chống được dịch Covid-19.
Loại mũ này có đặc điểm giống như một chiếc mũ vải bình thường, phần vành mũ được gắn thêm một tấm nhựa trong suốt có thể che toàn bộ khuôn mặt của người đội. Hiện tại, giá của những chiếc mũ này từ khoảng 90.000 – 400.000 đồng/chiếc.
Những người quảng cáo chiếc mũ này nói rằng mũ có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống Covid-19 ở thời điểm này. Vì vậy người dân tại TP.HCM và Hà Nội đều đổ xô nhau đi mua.
Nhiều người tin rằng việc có lớp nhựa sẽ giúp ngăn các giọt bắn khi nói chuyện, tránh cho virus có thể phát tán ra bên ngoài, nếu đeo thêm khẩu trang nữa thì thực sự là một 'combo' bảo vệ kép hoàn hảo.
Tuy nhiên đó mới chỉ là suy nghĩ của người mua hàng dựa trên niềm tin từ những người quảng cáo. Thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định chiếc mũ này có thể chống được vi khuẩn, virus hay có chống được virus corona.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, sản phẩm mũ có gắn thêm tấm chắn nhựa hiện đang bán trên thị trường chỉ là công cụ để tăng cường lớp bảo vệ, ngăn chặn giọt bắn tiếp xúc với đường hô hấp.
Nói cách khác, sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ, chống giọt bắn chứ không thay thế được khẩu trang. Virus corona được cho là có thể tồn tại nhiều giờ trên bề mặt của vật thể, nếu vô tình chạm tay vào khu vực đó, chúng ta có thể mang mầm bệnh theo mình mà không hề hay biết.
Vì vậy việc chặn đứng con đường virus xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng, mũi và mắt, việc rửa tay thường xuyên và sạch sẽ là hết sức quan trọng.
Bác sĩ Khanh khuyên người dân có thể đeo khẩu trang và đội thêm mũ để tăng sự đảm bảo. "Mũ chống vi khuẩn" có ngoại hình khá thẩm mỹ lại chống được nắng, góp phần ngăn chặn vi khuẩn và bụi, hơn nữa có thể tái sử dụng.
Tuy nhiên, dù đội mũ hay làm bất cứ biện pháp nào để phòng dịch cũng không nên quên khuyến cáo của Bộ Y tế về việc rửa tay thật kỹ bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Không để tay chạm vào mắt mũi, miệng bởi tay là nơi tiếp xúc với rất nhiều vật trung gian chứa vi khuẩn như tay nắm cửa, tiền, các vật dụng ít khi được vệ sinh sạch sẽ...