Tối ngày 23/8, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip với hình ảnh mưa lớn, gió giật mạnh kéo theo vòi rồng cao hàng trăm mét xuất hiện ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp này tạo thành cột nước trắng xóa cao hàng trăm mét từ bầu trời xuống mặt đất. Xen kẽ với đó là những đám mây đen đang vần vũ trên bầu trời tạo nên cảnh tượng vô cùng đặc biệt. Dù vậy vòi rồng đi qua cũng để lại những hậu quả nặng nề cho một số địa phương tại Bến Tre.
Theo những thông tin được fanpage chính thức của địa phương, tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã ước tính có khoảng 11 căn nhà bị sập, 60 căn nhà tốc mái và 8 người bị thương ở xã Thạnh Phước. Vòi rồng xuất hiện cũng khiến 10 căn nhà, 3 chòi tôm bị tốc mái ở xã Đại Hòa Lộc.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lực lượng chức năng địa phương đã nhanh chóng có mặt và giúp đỡ người dân khắc phục tạm thời hậu quả, lập tức đưa những người bị thương đi điều trị, thu dọn cây cối, điều phối giao thông và liên hệ bố trí chỗ ở cho các hộ gia đình bị thiệt hại.
Khi hiện tượng thiên nhiên này xuất hiện ở Bến Tre còn khiến dân mạng chưa hết bàng hoàng thì ngay sau đó, MXH cũng xuất hiện rất nhiều bức ảnh chụp lại cơn mưa đá vào chiều tối ngày 23/8 tại TP.HCM.
Đây là hiện tượng thời tiết hiếm hoi xuất hiện ở Sài Gòn với những viên đá to bằng khoảng 1 đốt ngón tay. Cơn mưa đá này xuất hiện trong khoảng 5 phút, sau đó chuyển qua mưa bình thường.
Chia sẻ trên Thanh Niên, ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ nhận định đây là cơn mưa đá bất thường ở TP.HCM vì mưa đá hiếm xảy ra ở thời điểm này. Thông thường, các cơn mưa đá sẽ xuất hiện vào đầu hoặc khi kết thúc mùa mưa, tức là đầu tháng 5 - 6 hoặc cuối tháng 10, chứ hiếm khi xảy ra vào tháng 8.
Lý do mưa đá xuất hiện ở thời điểm này là do vài ngày qua, áp cao cận nhiệt đới ở biển Đông lấn tây, đẩy ẩm ở biển vào tạo nhiễu động gió đông. Khi có nhiễu động, không khí xáo trộn lớn hình thành mưa đá.
Trong khi đó trên VnExpress, chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan cho biết, mưa đá thường xuất hiện ở Bắc Bộ do địa hình nhiều đồi núi. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn ở TP HCM và Nam Bộ do biến đổi khí hậu, nắng nóng sau đó mưa đột đột.