Thông tin Lầu Năm Góc tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông được tiết lộ hồi tuần trước. Điều này làm gia tăng căng thẳng tại vùng biển đang là điểm nóng nhất thế giới.
Dự kiến diễn ra trong vài ngày tới, các tàu hải quân Mỹ sẽ tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông lần đầu kể từ năm 2012.
Trung Quốc đã phản ứng lại với những tin tức quanh cuộc tuần tra sắp diễn ra. Bắc Kinh nói sẽ "không cho phép bất cứ nước nào xâm phạm lãnh hải và không phận tại quần đảo Trường Sa trên danh nghĩa bảo vệ tự do hàng hải và hàng không". Tuy nhiên, ngày 13/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã một lần nữa khẳng định lập trường của Mỹ tại khu vực khi tuyên bố Mỹ "sẽ bay, đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép như chúng tôi vẫn đang làm trên toàn thế giới và Biển Đông đã và sẽ không ngoại lệ".
Thật vậy, Biển Đông không phải ngoại lệ. Tự do tuần tra hàng hải tại Biển Đông hoàn toàn phù hợp với Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS). Mỹ và các đối tác của họ đã nhìn nhận vấn đề này như vậy và tăng cường gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ không chấp nhận yêu sách đơn phương, cũng như việc thực thi yêu sách một cách hiếu chiến hay quân sự hóa các đảo của Trung Quốc tại Biển Đông.
Nhưng việc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ đi kèm với những lời lẽ ngày càng cứng rắn đặt Bắc Kinh vào tình thế khó khăn. Nếu Mỹ thực hiện việc tuần tra, Bắc Kinh buộc phải vạch ra một phương hướng giải quyết sao cho không làm gia tăng căng thẳng giữa 2 cường quốc và không để lộ điểm yếu trước người dân trong nước.
Việc Mỹ tuần tra Biển Đông buộc Trung Quốc phải nghĩ ra đối sách sao cho không làm căng thẳng quan hệ song phương lại làm vừa lòng người dân trong nước. Ảnh: Hải quân Mỹ/National Interest |
Sự ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trong giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Mỹ tạm ngưng kiểm tra kết quả của việc gia tăng chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. ĐCS Trung Quốc (CPP) đã dựa trên 2 trụ cột là tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc để củng cố quyền lực của mình kể từ năm 1989. Điều này được thúc đẩy thông qua việc xây dựng chiến dịch giáo dục lòng yêu nước rộng rãi một cách cẩn thận.
Với những công dân Trung Quốc ngày càng đặt nhiều tình cảm vào Biển Đông, bất cứ hành động cứng rắng nào của Mỹ tại khu vực này cũng có khả năng gây ra một phản ứng mạnh mẽ ở Trung Quốc.
Đối mặt với sự tăng trưởng kinh tế chậm, hay còn gọi là "sự bình thường mới" của Trung Quốc, CCP không thể tỏ ra yếu đuối khi đối mặt với việc Mỹ "không tôn trọng" chủ quyền lãnh thổ. Điều này có thể khiến CCP thông qua một số phản ứng cứng rắn nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người dân trong nước. Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc làm vậy. Sự cố máy bay do thám EP-3 của Mỹ năm 2001, sự cố Senkaku/Điếu Ngư năm 2010 và những căng thẳng leo thang quanh quần đào này vào năm 2012 là ví dụ điển hình.
Mặc dù trò thách đố (game of chicken) đang diễn ra ở Biển Đông, thì việc phản ứng lại động thái tuần tra của Mỹ chắc chắn không phải là lợi ích chiến lược của Trung Quốc, thậm chí còn phản tác dụng đối với tình hình trong nước.
Một câu nói nổi tiếng từ lâu của nhà báo Nicholas Kristof đó là chủ nghĩa dân tộc là một "lực lượng đặc biệt thú vị tại Trung Quốc, nếu xét đến khả năng, nó không chỉ duy trì tính hợp pháp của chính phủ mà còn hủy diệt nó", đến nay vẫn còn thức thời.
Đã có rất nhiều lập luận khác cho rằng sự quyết đoán của Mỹ sẽ không giải quyết được thách thức Biển Đông. Điều đó là chính xác. Những luận điệu khiêu khích của Mỹ sẽ "đổ thêm dầu" vào những căng thẳng tại Trung Quốc khiến CCP không thể bỏ qua.
Mỹ nên tiến hành tuần tra bằng mọi cách nhưng nên kiềm chế lời nói và làm nổi bật việc tuần tra là "bình thường" và phù hợp với luật biển quốc tế. Mỹ cũng nên hạn chế các cuộc tuần tra tại những khu vực ngập nước trước các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn của Trung Quốc, như Đá Vành Khăn, để tránh chăng thẳng leo thang quanh khu vực.
Những bước đi này sẽ là một chặng đường dài đối với một số nước nhưng không phải tất cả để hạ nhiệt căng thẳng tại Biển Đông và tránh đẩy Bắc Kinh và Washington rơi vào tình trạng bất lợi cho cả 2.
Bảo Linh (theo aspistrategist)