Cảnh thiếu niên 17 tuổi nhảy cầu tự tử tại Thượng Hải tuần trước đã khiến cư dân mạng Trung Quốc tranh luận kịch liệt, trong đó có nhiều ý kiến chỉ trích cách nuôi dạy con của người Trung Quốc.
Cậu bé nhảy khỏi cầu Lupu bắc qua sông Hoàng Phố vào tối ngày 17/4. Trước khi nhảy, thiếu niên này còn ngồi ở ghế sau của chiếc xe hơi màu trắng do mẹ điều khiển. Sau đó, mẹ người mẹ đột ngột dừng xe trên cầu. Đoạn video cho thấy bà mẹ đứng cạnh xe dường như đang nói chuyện với đứa con ngồi bên trong.
Sau khi người mẹ trở lại ghế lái, cậu con trai bước ra khỏi xe và chạy đến bên thành cầu. Dù đã cố lao theo nhưng bà đã không thể ngăn cậu bé gieo mình xuống dưới.
Báo chí rầm rộ đưa tin về việc, nói rằng bà mẹ trong clip đã chỉ trích con mình vì cậu bé có xung đột với bạn cùng lớp.
Đoạn clip được đăng tải lên Internet, đã thu hút hàng nghịt bình luận trên Weibo, một mạng xã hội tương tự như Twitter ở Trung Quốc.
Rất nhiều người đã lên án cách nuôi dạy con ở Trung Quốc, nhiều người nhớ lại trải nghiệm của chính họ.
"Người mẹ sẽ sống trong dằn vặt tội lỗi hết phần đời còn lại. Sự lựa chọn của đứa trẻ chắc chắn không phải chỉ vì lần tranh cãi duy nhất này. Đẩy con đến cái chết còn có nhiều lý do nữa", một người dùng Internet viết. Bình luận của anh đã nhận được hơn 1.000 lượt thích.
Một người khác viết: "Mẹ cậu bé này cũng giống mẹ tôi. Dù tôi cảm thấy đau khổ cỡ nào thì mẹ tôi cũng không thể cảm nhận được. Tôi không thể phủ nhận tình yêu mẹ dành cho mình. Nhưng tôi cũng không thể phủ nhận cách giáo dục sai lầm của bà đã gây hại cho tôi nhiều như thế nào khi tôi còn bé".
Một người dùng Weibo thứ ba viết: "Tôi hoàn toàn hiểu được cảm xúc của cậu bé. Cậu ấy có mâu thuẫn với bạn bè và muốn được gia đình an ủi. Nhưng thay vì vậy, cậu lại bị mắng nhiếc và cảm thấy cực kỳ tồi tệ".
Li Yinua, đại diện chính tại văn phòng Bắc Kinh của quỹ Bill & Melinda Gates, đã viết trên WeChat: "Đằng sau video này, chúng ta có thể tưởng tượng ra những cuộc gọi không được nghe trong nhiều năm, sự trầm cảm vô tận và những cảm xúc dồn nén".
Nhưng một số người cho rằng giới trẻ ngày nay cần mạnh mẽ hơn. "Trẻ em thời nay ngày một yếu đuối. Giáo viên không thể nói nặng lời với các em. Ở nhà, bố mẹ cũng không dám mắng mỏ. Vậy chúng có thể làm gì khi lớn lên?", một người dùng Weibo viết.
Một người khác cũng bình luận: "Tôi nghĩ nếu một người không trải qua sự thất vọng khi còn trẻ thì anh ta sẽ gặp rắc rối khi trưởng thành".