Tàu vũ trụ này đã ở trên bề mặt sao Hỏa từ tháng 11/2018 và là một phần trong nhiệm vụ thăm dò các trận động đất trên hành tinh đỏ, CBSnews đưa tin.
Máy đo địa chấn (SEIS) đã hoạt động từ tháng 12 nhưng chỉ đo được trận động đất đầu tiên vào ngày 6/4, tức là ngày thứ 128 khi ở trên sao Hỏa. Đó là một trận động đất rất nhỏ, nếu ở trên trái đất sẽ không được ghi nhận. Nhưng đây sẽ là bước quan trọng trong sứ mệnh chung của tàu đổ bộ.
Tàu InSight chụp bức ảnh selfie đầu tiên trước khi triển khai thiết bị đo địa chấn trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA
"Chúng tôi đã chờ đợi nhiều tháng cho trận động đất đầu tiên này", Philippe Lognonné, trưởng nhóm SEIS tại Viện de Physique du Globe de Paris (IPGP) của Pháp cho biết. "Thật thú vị khi cuối cùng cũng có bằng chứng cho thấy sao Hỏa vẫn hoạt động địa chấn. Chúng tôi mong được chia sẻ kết qua chi tiết một khi nghiên cứu kỹ hơn và mô hình hóa dữ liệu của mình".
Trong khi trận động đất nhẹ này có thể do gió hoặc các lực bên ngoài gây ra, nhóm Insight "tự tin" nó đến từ chính sao Hỏa. Tuy nhiên, trận động đất quá nhỏ để cung cấp dữ liệu về địa chất bên trong sao Hỏa, một trong những mục tiêu chính của InSight. Máy đo địa chấn đã đo 3 tín hiệu hoạt động khác kể từ cơn rung chấn đầu tiên, nhưng chúng đều yếu hơn lần đầu.
Động đất trên sao hỏa có thể so sánh với hoạt động địa chấn được đo trên mặt trăng trong các nhiệm vụ của tàu Apollo từ năm 1969 đến 1977. Vào thời gian đó, các phi hành gia đã đo được hàng ngàn trận động đất.
Không giống như Trái đất, sao Hỏa và mặt trăng thiếu các mảng kiến tạo. Do đó, các trận động đất ở đây không phải do đứt gãy trong lớp vỏ. May mắn thay, bề mặt sao Hỏa yên tĩnh hơn so với Trái đất rất nhiều. Đó là lý do máy đo địa chấn có thể thu được những tiếng ồn địa chấn.