(Tinmoi.vn) Ngày 1/7, trong cuộc họp thường niên với các đại sứ và đại diện thường trực của các nước tại Nga, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu quan trọng về tình hình chính trị thế giới và các Chính sách đối ngoại của Nga trong thời gian tới. Đặc biệt, Nga đã sẵn sàng cho một cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ 2 với Mỹ.
Tổng thống Putin trong bài phát biểu hôm 1/7
Theo các chuyên gia, kết luận quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra từ bài phát biểu của tổng thống, đó là Nga đã sẵn sàng cho cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai, cuộc chiến này sẽ không phải do Nga khơi mào và Moscow sẽ không thực hiện các bước để ngăn chặn nó.
Rất có thể, trong thời gian tới chúng ta sẽ không nhìn thấy bất kỳ nhượng bộ nào trong chính sách đối ngoại của Nga. Bài phát biểu của Tổng thống Putin cũng cho rằng Nga sẵn sàng tăng căng thẳng và phản đối mạnh mẽ hơn bằng mọi cách có thể, phù hợp với khuôn khổ luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi của công dân Nga sống ở nước ngoài. Và nhiều khả năng, các đối thủ sẽ tăng cường gây áp lực lên Nga và Nga sẽ có những phản ứng thích đáng.
Tuy nhiên, Nga sẽ tìm cách giảm căng thẳng trong quan hệ với châu Âu, bởi vì "châu Âu - là người bạn truyền thống, là khu vực thương mại quan trọng của chúng tôi và là một đối tác kinh tế lớn"-trích dẫn lời ông Putin. Thứ nhất Nga lo ngại về sự an toàn trong việc cung cấp khí tự nhiên cho các đối tác châu Âu của mình. Chính quyền Ukraine cố gắng để chính trị hóa vấn đề này trong thập kỷ qua, buộc Nga phải tìm kiếm một dự án thay thế để cung cấp khí đốt tự nhiên. Nga sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại và hợp tác với châu Âu. Nga không có gì để đổ lỗi cho châu Âu. Ngoài ra, Nga và châu Âu có rất ít lý do để mâu thuẫn mới nhau. Hầu hết các mâu thuẫn xảy ra ở những khu vực có lợi ích của Mỹ, ví dụ, trong trường hợp của NATO.
Một điểm đáng chú ý trong bài phát biểu của Putin là ông đã vẽ một ranh giới rõ ràng trong mối quan hệ giữa "chúng ta" và "họ", tức là, giữa châu Âu-Nga khác hoàn toàn với giữa Nga-Mỹ. Đường phân chia này là rõ rệt trong những lời chỉ trích của Tổng thống Putin về áp lực của Mỹ đối với các nước châu Âu, do các nước này quan hệ đối tác với Nga.
Trong bối cảnh sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 40 năm của việc ký kết Văn kiện Helsinki thành lập Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ được tổ chức vào năm tới, một sự kiện rất đáng chú ý. Đặc biệt là xem xét các nỗ lực gần đây của Nga có thể tạo ra một luồng sinh khí mới cho OSCE. Những nguyên tắc đã được ghi nhận trong năm 1975, chủ yếu là trùng với tầm nhìn của Nga về một quốc tế ổn định đó là:
1. Bình đẳng chủ quyền, tôn trọng các quyền vốn có trong chủ quyền
2. Nghiêm cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực
3. Bất khả xâm phạm biên giới
4. Toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia
5. Giải quyết hòa bình các tranh chấp
6. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau
7. Tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản, trong đó có tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo và niềm tin
8. Quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc
9. Hợp tác giữa các quốc gia
10. Mọi hoạt động bên ngoài lãnh thổ đều theo luật pháp quốc tế
Bài phát biểu của ông Putin rõ ràng rằng, Nga sẽ cố gắng để thúc đẩy những công việc để tạo ra một không gian an ninh châu Âu duy nhất kéo dài từ Lisbon đến Vladivostok và dựa trên nguyên tắc OSCE trước đây.
Đặc biệt, Nga muốn hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu, ngăn chặn Mỹ áp đặt trên các quốc gia châu Âu và giảm ảnh hưởng của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề an ninh trong khu vực. Mỹ là nhà lãnh đạo của NATO, và trong liên minh này, Mỹ gần như có thể đơn phương tự quyết. Nhưng OSCE, với các nguyên tắc cơ bản của nó - đó là một câu chuyện khác.
Mặc dù thực tế là Putin đã nói về tầm quan trọng của mối quan hệ Nga-Mỹ với thế giới, và rằng Nga sẽ không làm gián đoạn mối quan hệ này. Nhưng thật là ảo tưởng nếu cho rằng mối quan hệ này sẽ nhanh chóng được khôi phục trong tương lai. Nga cũng như Mỹ đều coi mình là vô tội trong sự suy thoái của mối quan hệ. Và rất có thể, trong tương lai gần tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn, bởi vì không bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Moscow đã sẵn sàng cho một cuộc Chiến tranh Lạnh với Mỹ.
Yên Hưng (Theo NewsLand)