Nga cần Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại có nhiều lựa chọn. Đó là lý do Nga thất bại trong chiến dịch xoay trục sang châu Á.
Bề ngoài, khái niệm xoay trục châu Á của Nga có ý nghĩa, đặc biệt là sự hợp tác lớn hơn giữa Moscow và Bắc Kinh. Nhưng, theo các học giả, chiến dịch xoay trục châu Á của Nga cho đến nay đã thất bại trong việc mang lại lợi ích cho Moscow.
"2 năm sau rạn nứt giữa điện Kremlin với phương Tây, những hy vọng của Moscow rằng một mối quan hệ kinh doanh mới với châu Á sẽ bù đắp cho những tổn thất của Nga đã không được cụ thể hóa", ông Alexander Gabuev đến từ Trung tâm Carnegie Moscow bắt đầu những phân tích về chiến dịch xoay trục "chẳng đi tới đâu" của Nga.
Hai tác giả Thomas S. Eder and Mikko Huotari đã nhận xét trên tờ Foreign Affairs rằng: "Kể từ khi châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga do xâm lược Ukraine, Moscow đã nuôi hy vọng chống lại điều này bằng cách tăng cường liên minh với Trung Quốc về năng lượng, quốc phòng, thương mại nông nghiệp và đầu tư".
Điều gì là cốt lõi trong thất bại này? Một nơi để tìm kiếm chính là động lực để tăng cường hợp tác đối với cả Moscow lẫn Bắc Kinh. Quan hệ (và thương mại) giữa Nga và châu Âu xấu đi khiến Nga gấp rút tìm kiếm những đối tác ở nơi khác. Vì lý do này mà Nga và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD vào tháng 5/2014. Nhưng ma quỷ thay khi Nga sẽ nhận được ít tiền lời hơn so với bán cho Tây Âu và trong hai năm qua, kỳ hạn của thỏa thuận này đã được đẩy lùi vào tương lai.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Văn phòng Thông tin Báo chí Tổng thống Nga |
Nga cần Trung Quốc nhưng Trung Quốc có thể lựa chọn.
Gabuev nói điều này là để ám chỉ việc Nga dường như không có khả năng làm việc với các tổ chức tài chính châu Á. Thành công lớn duy nhất của Nga với các ngân hàng Trung Quốc là khoản vay 2 tỷ USD dành cho Gazprom. Ngoài ra chẳng có gì sắp diễn ra thời gian tới.
Các lý do rất rõ ràng. Điều này cho thấy ngay cả 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc (Big Four Chinese banks) cũng đã tuân thủ các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây mặc dù Bắc Kinh đã chính thức lên án các biện pháp trừng phạt này. Lựa chọn giữa cơ hội tăng sự hiện diện của họ tại thị trường Nga đầy rủi ro (trước đây nhỏ, giờ còn bị teo lại với GDP suy giảm liên tục) và tiềm năng để tăng cường vị thế của mình tại những thị trường khổng lồ, ổn định của Mỹ và EU, các ngân hàng Trung Quốc đã chọn phương án sau. Một "đối tác chiến lược" không loại trừ sự thận trọng về tài chính.
Trong lĩnh vực năng lượng, Eder và Houtari chỉ ra thực tế: Nga chỉ là một trong nhiều nhà cung cấp hydrocarbon cho Trung Quốc, "trong đó có Angola, Guinea, Turkmenistan, Iraq, và có lẽ không lâu sau có cả Iran - những nước này đang giúp Trung Quốc đa dạng hóa nguồn năng lượng của mình...".
Trong một vài trường hợp, như của Turkmenistan, tổn thất của Nga lại là lợi ích của Trung Quốc. Trong vài năm qua, thương mại khí đốt của Turkmenistan sang Nga (để bán lại cho châu Âu) đã giảm. Vào tháng 1, Gazprom tuyên bố họ sẽ ngừng mua hoàn toàn từ Turkmenistan sau khi thương mại giảm mạnh từ mức 40 tỷ mét khố khí năm 2008 xuống còn 4 tỷ mét khối vào năm 2015. Trong khi đó, Turkmenistan chuyển hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, Turkmenistan đã cung cấp cho Trung Quốc 10,6 tỷ mét khối khí - tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đường ống Trung Á - Trung Quốc có 3 đường dẫn đang hoạt động và đường dẫn thứ 4 đang được xây dựng sẽ tăng công suất lên 85 tỷ mét khối/năm.
Chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga khác với của Mỹ. Theo tác giả Shannon Tiezzi và Catherine Putz, một trong những khía cạnh cốt lõi trong chiến dịch xoay trục của Mỹ chỉ đơn giản là xuất hiện ở châu Á. Phần lớn sự liên quan của Mỹ tới khu vực đều tập trung vào việc tham gia các diễn đàn đa phương mà nhiều cường quốc châu Á ưu tiên coi đây là địa điểm để xây dựng sự đồng thuận và thực hiện Chính sách ngoại giao. Đồng thời, sự tương tác song phương với Trung Quốc cũng nhận sự chú ý nhiều hơn.
Xoay trục châu Á của Nga tập trung chủ yếu vào Trung Quốc, loại trừ các cường quốc khác. Gabuev bình luận rằng quyết định bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và thượng đỉnh APEC hồi năm ngoái của Tổng thống Putin là một "sai lầm".
Putin nổi tiếng không thích các sự kiện đa phương và chỉ tham gia vì các cuộc họp 1-1. Nhưng việc phớt lờ APEC - biểu tượng là nền tảng cho chính sách và các mối quan hệ quốc tế - của ông Putin đã được giải thích: Nga không xoay trục sang châu Á, họ đã xoay trục để trở thành đối tác "đàn em" của Trung Quốc.
Cuối cùng, chiến lược xoay trục châu Á của Nga sẽ tiếp tục kém hiệu quả khi kinh tế Nga kiệt quệ và quan hệ với châu Âu trở nên căng thẳng. Điều đó cho thấy việc 2 nước chia sẻ một số lợi ích chiến lược và thất bại của chiến lược này không nhất thiết làm suy yếu sự đồng cảm về mặt chính trị của Bắc Kinh dành cho Moscow.
Bảo Linh (The Diplomat)