Tắm táp là một thú vui không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Khi tắm, mọi người thường bôi xà phòng, gel tắm và các sản phẩm làm sạch da khác. Theo quan điểm hiện tại, khi tắm phải có xà phòng và gel tắm, nhưng ở thời cổ đại, khi các sản phẩm đó chưa ra đời thì mọi người làm thế nào?
Thực ra, người cổ đại đã có nhiều phương pháp làm sạch da. Con người sớm biết cách sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên để giặt giũ, tắm rửa.
Ngay từ thời nhà Chu ở Trung Quốc cách đây hơn 3.000 năm, người ta đã sử dụng nước vo gạo để tắm rửa và tẩy sạch bụi bẩn. Người ta nói rằng phương pháp này không những loại bỏ bụi bẩn mà còn giúp chăm sóc da rất tốt. Phát minh cổ xưa này vẫn được nhiều người ngày nay sử dụng. Người ta cho một ít tinh bột, cám gạo, bã mì vào túi vải, đặt dưới vòi nước của bồn tắm, sau đó thêm nước nóng vào bồn và đổ đầy bồn tắm. Tắm cách này có tác dụng chữa đau thắt lưng, lạnh tay chân, tê cóng, da thô ráp và nhiều bệnh khác.
Vào thời Tây Tấn, "táo đậu" (một loại bột để tắm rửa) xuất hiện. Khi đó, nếu người ta trêu chọc ai đó không có giáo dục, không biết thói quen vệ sinh của giới quý tộc thì họ thường nói người đó "không biết táo đậu".
Từng có một giai thoại kể về vị phò mã thời Tấn tên là Vương Đôn. Khi mới cưới công chúa, Vương Đôn đi nhà xí thì được một thị nữ của công chúa đưa cho bát chứa táo đậu để rửa tay. Nhưng Vương Đôn lại nhầm táo đậu với lương khô, đã đổ hết vào chậu nước rồi uống cạn. Dù đây chỉ là một câu chuyện cười nhưng nó cho thấy táo đậu đã xuất hiện như một sản phẩm làm sạch cao cấp. Trước khi có táo đậu, người Trung Quốc xưa tắm rửa bằng nước gạo và bồ kết tự nhiên.
Không phải ngẫu nhiên mà táo đậu xuất hiện vào thời nhà Ngụy và nhà Tấn. Sự xuất hiện và phát triển của táo đậu dường như có liên quan đến sự thịnh vượng của ngành buôn bán gia vị nước ngoài kể từ thời nhà Hán. Bởi vì thời kỳ này là thời đại “Khám phá các loại gia vị” trong lịch sử Trung Quốc , nhiều loại gia vị phương Tây và phương Nam đã đến Đồng bằng miền Trung, mang đến một cái nhìn hoàn toàn mới cho cuộc sống của giới quý tộc. Vì vậy, mọi người đã trộn bột đậu và các loại gia vị quý hiếm lại với nhau, tỏa ra mùi hương thanh lịch, tạo ra sản phẩm làm sạch cao cấp là "táo đậu".
Từ thời nhà Ngụy và nhà Tấn đến thời nhà Đường, táo đậu giống như dầu dưỡng da mặt, dầu dưỡng tay, hoa oải hương và các sản phẩm làm đẹp khác, là những nhu cầu thiết yếu hàng ngày không thể thiếu đối với nam giới và phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc và được sử dụng rộng rãi. Đến thời nhà Đường, "táo đậu" bước vào thời kỳ hoàng kim.
Sau táo đậu thì bồ kết xuất hiện. Vào thời đó, trên thị trường có người chuyên bán bồ kết. Có hơn 10 loại bồ kết, có khả năng làm dịu, loại bỏ bụi bẩn, làm sạch da, do đó thường được sử dụng trong phương pháp làm đẹp cổ điển.
Khi giặt quần áo bằng bồ kết, quần áo không bị phai màu, không co lại, sợi vải cũng không bị hỏng và mất độ bóng. Do đó, nhiều người xưa dùng bồ kết để giặt quần áo. Ngoài ra, tắm bằng bồ kết giúp trị bệnh viêm khớp và bệnh về da, hiệu quả rất tốt.
Ngoài ra, người ta còn phát hiện ra một loại cây là bồ hòn, hạt to và dày, chủ yếu phân bố ở khu vực Giang Tô và Chiết Giang, là nguyên liệu làm xà phòng sau này. Tư liệu cổ viết rằng người thời nhà Tống đã sử dụng hạt bồ hòn để tắm và giặt đồ. Mỗi khi vào mùa, người ta thu hoạch và nấu chín bồ hòn, sau đó xay nhuyễn, kết hợp các loại hương liệu và bột mì, cuộn thành viên, tạo thành "xà phòng".
Ngoài "xà phòng" và bồ kết, phụ nữ miền nam Trung Quốc thường sử dụng nước ngâm tro thực vật để tắm rửa. Bên cạnh đó, người giàu còn dùng nấm Trư linh để tắm gội.
Xà phòng xuất hiện ở Trung Quốc vào thời nhà Tống. Nguyên liệu làm xà phòng chủ yếu sử dụng quả cây bồ kết và bồ hòn. So sánh giữa 2 loại, quả bồ hòn chứa nhiều dầu hơn bồ kết. Vào thời Nam Tống, đã có sản phẩm xà phòng thơm hoàn thiện được làm từ bồ hòn.
Vào thời nhà Minh và Thanh, việc các gia đình giàu có sử dụng xà phòng là điều rất phổ biến. Trong "Kim Bình Mai" có đề cập đến việc sử dụng xà phòng hương hoa nhài khi rửa mặt. "Hồng Lâu Mộng" cũng đề cập đến "xà phòng thơm" rửa mặt buổi sáng. Nhưng lúc này, việc sử dụng táo đậu cổ xưa vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Thời này, người dân đã cải tiến táo đậu. Người dân đã cải tiến "táo đậu", kết hợp đường cát, mỡ lợn, tuyến tụy lợn và hương liệu theo tỷ lệ nhất định, đem nghiền nhuyễn, sau đó đun nóng và tạo hình, cho ra sản phẩm gọi là "xà bông".
Trong xà bông này, mỡ lợn được phân giải một phần bởi enzyme thành axit béo, sau đó được chuyển hóa thành xà phòng axit béo bằng carbonat natri (thành phần chính của xà phòng hiện đại). Có thể nói, nó chỉ còn cách xà phòng hiện đại một bữa nữa.
Vào triều Thanh, hoàng cung còn xuất hiện một loại xà phòng dược phẩm độc đáo, được sản xuất dựa trên lý thuyết y học cổ truyền. Đó chính là xà phòng chữa bệnh, hay còn gọi là xà phòng gỗ đàn hương. Nó được hoàng đế Quang Tự và Từ Hi Thái hậu đánh giá cao vì không chỉ có mùi thơm mà còn có khả năng làm sạch, giảm ngứa, dưỡng ẩm, làm đẹp, dưỡng da.